Bootstrap Logo

Đề nghị Chính phủ tìm giải pháp ngăn chặn sạt lở đất

AvatarPhương Nguyễn

Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ, Thủ tướng hỗ trợ địa phương bị sạt lở đất và có giải pháp khắc phục để bảo vệ tài sản, tính mạng người dân.

Báo cáo công tác dân nguyện tháng 3 tại phiên họp Thường vụ Quốc hội sáng 16/4, Trưởng ban Dân nguyện Dương Thanh Bình cho biết nhân dân lo lắng tình trạng sụt lún, sạt lở nghiêm trọng tại một số địa phương gây thiệt hại lớn đến tài sản, nhà ở.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ, Thủ tướng hỗ trợ kinh phí cho địa phương bị sụt lún, sạt lở đất; có giải pháp bảo vệ hệ thống công trình giao thông, thủy lợi phục vụ sản xuất, nuôi trồng thủy sản; quy hoạch lại hệ thống giao thông, thủy lợi, sản xuất và dân cư theo hướng đồng bộ, hiệu quả.

Đêm 7/4, năm nhà và hai công trình chưa hoàn thiện trên đê sông Cầu ở TP Bắc Ninh sạt trượt, đổ nghiêng khiến các hộ dân phải sơ tán. Phường Vạn An xác định khu vực nguy hiểm, ảnh hưởng trực tiếp đến tính mạng người dân trong phạm vi 25 m, tính từ vị trí ngôi nhà đầu tiên bị đổ sập xuống sông hôm 14/3.

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Bắc Ninh cho rằng có hai nguyên nhân dẫn tới sạt lở. Thứ nhất, người dân xây dựng nhiều công trình kiên cố, đổ rác, phế thải xây dựng lấn chiếm dòng chảy. Thứ hai do khách quan, khu vực này là điểm bắt đầu của tuyến sông cong về phía tỉnh Bắc Ninh nên có sự biến đổi dòng chảy mạnh, dẫn đến sạt trượt.

Hai công trình chưa hoàn thiện trên đê sông Cầu ở TP Bắc Ninh sạt lở. Ảnh: Phạm Chiểu

Ngày 8/4, sạt lở khiến căn nhà hai tầng ven đường tỉnh 965, xã An Minh Bắc, huyện U Minh Thượng, đổ nghiêng và sụt lún. Theo chính quyền Kiên Giang, sạt lở ở địa bàn thời gian qua do nắng nóng, khô hạn, người dân tranh thủ bơm nước vào đồng khiến hệ thống kênh nội vùng cạn nước. Tình trạng này gây ra chênh lệch độ cao lớn giữa mặt đường ven sông và mực nước bên dưới kênh dẫn đến sụt lún đất. Ngoài ra, nạo vét nhiều khiến đáy các kênh khá sâu (khoảng 5 m), nền đất ở khu vực yếu cũng là nguyên nhân sự cố tăng cao.

Theo ông Dương Thanh Bình, cử tri cũng lo lắng tình trạng xâm nhập mặn, nắng nóng gay gắt kéo dài tại Đồng bằng sông Cửu Long và Tây Nguyên; tình hình dịch bệnh truyền nhiễm vẫn diễn biến khó lường. Đánh bạc trên không gian mạng, bán hàng "chui" dưới hình thức hội thảo tập trung phụ nữ và người cao tuổi; lừa đảo thông qua hoạt động góp vốn đầu tư hoặc mượn vốn đầu tư vẫn còn tiếp diễn gây thiệt hại lớn.

Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ chỉ đạo bộ, ngành theo dõi sát biến động cung cầu, giá cả thị trường để có biện pháp điều chỉnh phù hợp; tập trung thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp kinh doanh vàng; làm rõ trách nhiệm của tổ chức, cá nhân nếu có hành vi thao túng thị trường.

Bộ Công an tiếp tục tăng cường đấu tranh, ngăn chặn và xử lý nghiêm, có tính chất răn đe đối với tội phạm lừa đảo, đánh bạc trên không gian mạng; ngăn chặn và xử lý nghiêm thanh thiếu niên phóng nhanh, vượt ẩu, lạng lách, đánh võng.

Theo báo cáo của Ban Dân nguyện, cử tri và nhân dân đánh giá cao chuyến thăm chính thức Trung Quốc của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ (ngày 7 đến 12/4) và việc ký mới Thỏa thuận hợp tác giữa Quốc hội Việt Nam và Nhân Đại Toàn quốc Trung Quốc.

"Cử tri cho rằng kết quả chuyến thăm như tăng cường phối hợp giữa hai cơ quan lập pháp, tạo khung pháp lý, giúp phát huy tiềm năng, thế mạnh trong hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư giữa hai nước và củng cố nền tảng xã hội cho tình hữu nghị Việt - Trung", ông Bình nói.

Chưa có bình luận hãy là người đầu tiên bình luận!

First Image

BÀI VIẾT CÙNG CHỦ ĐỀ