Trên phố Lò Đúc hiện có 4 cây sao đen hơn trăm tuổi bị chết, tất cả án ngữ mặt tiền các ngôi nhà mới sửa hoặc đang xây dựng.
Ông Nguyễn Đức Mạnh, Phó tổng giám đốc Công ty TNHH MTV Công viên cây xanh Hà Nội, cho biết đang tạm dừng đánh chuyển cây sao đen đã chết ở trước cửa ngôi nhà sáu tầng số 65 Lò Đúc, phường Phạm Đình Hổ, quận Hai Bà Trưng, sau khi dư luận đặt vấn đề cây bị xâm hại.
Ngoài cây trước cửa nhà số 65, trên phố Lò Đúc trong bán kính 100 m còn có ba cây sao đen khác bị chết ở trước cửa các nhà số 34, 71, 93. Đây đều là các nhà mới hoặc đang xây.
Nửa năm trước, Công ty Công viên cây xanh Hà Nội nhận thông tin hai cây sao đen trước cửa nhà số 65 và 71 có dấu hiệu khô héo. Công ty đã phối hợp Trung tâm Quản lý hạ tầng kỹ thuật TP Hà Nội của Sở Xây dựng kiểm tra, nhận thấy cả hai cây có dấu hiệu bị xâm hại.
Theo kết quả kiểm tra ngày 23/11/2023, cây trước cửa nhà số 65 đường kính 80 cm, cao 18 m bị cắt hạ từ ngọn xuống gần 5 m, quanh gốc bịt kín xi măng và nằm trước cửa công trình đang xây dựng. Cây trước cửa nhà số 71 đường kính 60 cm, cao 12,5 m cũng trong tình trạng tương tự. Công ty Công viên cây xanh đã đề nghị Đội Trật tự xây dựng đô thị quận Hai Bà Trưng và UBND phường Phạm Đình Hổ kiểm tra, xử lý hành vi xâm hại cây theo quy định.
Một tháng sau, chủ nhà số 65 Lò Đúc có đơn đề nghị chính quyền xử lý cây sao chết khô trước cửa nhà để đảm bảo an toàn. Phường Phạm Đình Hổ cũng có văn bản đề nghị Sở Xây dựng và Công ty Công viên cây xanh có biện pháp xử lý, trồng thay thế nếu cây bị chết, kèm theo đơn của chủ nhà này.
Ngày 12/3, Trung tâm Quản lý hạ tầng TP Hà Nội, Công ty Công viên cây xanh và phường thống nhất chặt hạ, đánh gốc cây sao đen đã chết. Tuy nhiên, khi công nhân đánh gốc cây đầu tuần này thì vấp phải phản ứng của dư luận.
Lãnh đạo Công ty Công viên cây xanh Hà Nội cho hay hiện vẫn chưa nhận được phản hồi của phường Phạm Đình Hổ về đề xuất kiểm tra, xử lý hành vi xâm hại cây từ tháng 11/2023. "Trước ý kiến trái chiều, chúng tôi tạm dừng chuyển gốc cây và tiếp tục kiến nghị chính quyền xác minh thông tin cây bị xâm hại", ông Mạnh nói.
Trong khi đó, ông Trần Đức Quyền, Phó chủ tịch phường Phạm Đình Hổ, nói địa bàn có hàng chục cây xanh bị chết khô và đã nhiều lần kiến nghị cơ quan chức năng kiểm tra, thay thế để đảm bảo an toàn cho người dân.
Trả lời câu hỏi các cây sao đen trên phố Lò Đúc bị chết thời điểm nào, ông Quyền giải thích "cây vào mùa rụng lá nên khó phân biệt sống hay chết". "Nhưng theo người dân khu vực, các cây này đều đã chết được mấy năm. Cây trước nhà số 71 đã chết 5-6 năm, cây trước nhà số 65 chết 2-3 năm", ông Quyền nói, cho biết phường sẽ kiểm tra, xác minh sau khi cơ quan chuyên môn có ý kiến.
Liên quan đến cây sao đen trước nhà số 71, năm 2019 một số người dân trên phố Lò Đúc cho hay đã trình báo cây bị "bức tử" bằng đổ xi măng và axit. Tuy nhiên, đến nay chính quyền phường vẫn chưa có câu trả lời, cây sao chết khô vẫn chưa được đánh gốc chuyển đi.
Về hướng xử lý những cây chết, ông Trần Tuấn Anh, Phó giám đốc Trung tâm Quản lý hạ tầng kỹ thuật, cho hay phương án thứ nhất là cắt cành để tránh nguy cơ gãy đổ nếu xác định cây không bị sâu mục gốc. Phần thân và gốc được để lại, chờ cơ quan chức năng điều tra. Sau khi có kết luận, Công ty Công viên cây xanh sẽ chặt hạ và khảo sát hiện trạng để trồng cây mới thay thế.
Phương án thứ hai, nếu cây đã bị mục gốc thì chặt hạ ngay và khảo sát để trồng thay cây mới. "Cây trước nhà số 65 sẽ được để lại phần thân và gốc chờ chính quyền địa phương xác minh", ông Tuấn Anh nói.
Sao đen nằm ở nhóm III trong danh sách gỗ quý của Việt Nam. Cây được trồng trên phố Lò Đúc vào những năm 1905-1910. Hiện trên phố này còn 134 cây sao đen, trong đó khoảng 50 cây hơn 100 năm tuổi.
Cùng với những cây cơm nguội ở phố Yên Phụ, cây sấu ở phố Trần Hưng Đạo, Trần Phú, cây bàng ở phố Lý Thường Kiệt, cây hoa sữa đường Nguyễn Du..., những cây sao đen ở phố Lò Đúc đã tạo nên nét đẹp riêng cho Hà Nội.