Người bệnh tiểu đường nên ăn chay cân bằng giữa các nhóm chất, ưu tiên rau xanh, hạn chế món chiên xào để kiểm soát đường huyết tốt hơn.
Chế độ ăn chay thường ưu tiên thực phẩm lành mạnh từ thực vật, nhiều rau củ, ngũ cốc nguyên hạt... hỗ trợ cải thiện các triệu chứng của bệnh tiểu đường.
Bác sĩ Nguyễn Thị Thanh Trúc, khoa Nội tiết - Đái tháo đường, Bệnh viện Đa Khoa Tâm Anh TP HCM, cho biết ăn chay tốt cho sức khỏe nhưng người bệnh nên lưu ý quy tắc dinh dưỡng gồm hạn chế tinh bột, đường, món chiên xào nhiều dầu, thức ăn nhanh, nước ngọt, bánh kẹo... Ăn chay không đúng cách có thể dẫn đến tác dụng ngược.
Người bệnh ăn chay cần đảm bảo cân bằng các nhóm chất cần thiết cho cơ thể bao gồm tinh bột, chất xơ, đạm và chất béo bằng cách sử dụng đa dạng thực phẩm lành mạnh.
Tinh bột: Người bệnh nên chọn các loại ngũ cốc nguyên hạt như gạo lứt, gạo nguyên cám, yến mạch, ngô; tránh tinh bột chế biến qua nhiều công đoạn như mì gói, bánh quy, bánh mì...
Gạo lứt, rau luộc, muối mè là món chay lành mạnh, giúp giảm đường huyết nhưng không no lâu vì thiếu đạm và chất béo. Điều này khiến một số người có cảm giác nhanh đói, uể oải hay buồn ngủ... dẫn đến ăn vặt nhiều hơn, gây thừa cân, béo phì. Hạn chế các món giả thịt được chế biến từ tinh bột vì có thể làm tăng đường huyết.
Chất xơ có nhiều trong rau, củ, nấm, trái cây. Lưu ý không ăn quá nhiều trái cây, nhất là trái cây ngọt nhiều như sầu riêng, mít, dưa hấu, thơm, xoài chín...
Chất béo lành mạnh có trong trái bơ, mè, đậu phộng, hạnh nhân, hạt điều, quả óc chó, đậu nành.
Chất đạm có lợi cho cho cơ thể từ đậu phụ, đậu lăng, đậu gà, hạt chia, sữa đậu nành không đường, nấm, bông cải xanh, cải xoăn, yến mạch...
Các thực phẩm chay thường được chế biến bằng cách chiên, xào với nhiều dầu mỡ để phong phú và tăng cảm giác ngon miệng. Đây là các món dễ tăng cân, nhiều chất béo xấu làm tăng đường huyết do kháng insulin ở người tiểu đường. Người bệnh cũng không nên nêm nhiều gia vị khi chế biến, nhất là đường.
Lối sống, sinh hoạt và ăn uống đúng cách hỗ trợ kiểm soát bệnh tiểu đường type 2. Người bệnh cần kết hợp dùng thuốc tiểu đường theo hướng dẫn của bác sĩ, tập thể dục ít nhất 30 phút mỗi ngày. Kiểm tra đường huyết tại nhà thường xuyên hơn, tái khám theo chỉ định của bác sĩ Nội tiết - Đái tháo đường để được tư vấn kỹ hơn về chế độ ăn dựa trên thể trạng, đặc thù công việc, nhằm đảm bảo ổn định đường huyết mà vẫn đủ dinh dưỡng.