Gội đầu là bước cần thiết giúp làm sạch và bảo vệ da đầu. Tần suất gội đầu khác nhau phụ thuộc vào cơ địa, tình trạng da đầu của mỗi người. Vậy gội đầu nhiều có tốt và nên gội đầu bao nhiều lần trong tuần là phù hợp? Cùng tìm hiểu câu trả lời qua bài viết dưới đây.
1. Nên gội đầu bao nhiêu lần một tuần?
Gội đầu là bước cần thiết giúp làm sạch và bảo vệ da đầu, mái tóc nếu không được gội với tần suất thích hợp sẽ dẫn đến tình trạng bết, tăng tiết dầu và bụi bẩn từ môi trường gây ngứa da đầu. Tuyến tiết dầu trên da đầu nằm cạnh chân tóc, sâu bên dưới hạ bì có vai trò tiết một lượng dầu phù hợp để bảo vệ da đầu. Ở những người da dầu, tuyến tiết dầu hoạt động nhiều hơn nên những người này thường có cảm giác bí bách da đầu và muốn gội đầu với tần suất lớn.
Vậy gội đầu nhiều có tốt không và nên gội với tần suất bao nhiêu lần một tuần là phù hợp? Theo đó, tần suất gội đầu hợp lý cho hầu hết các loại tóc và da đầu là cách 2 – 3 ngày/lần. Trong trường hợp da đầu tiết nhiều dầu, nhờn hoặc tóc quá mỏng thì có thể gội đầu mỗi ngày hoặc cách ngày. Sau khi gội đầu, bạn cần lưu ý nhẹ nhàng lau khô bằng khăn vì ở thời điểm này tóc yếu và rất dễ gãy rụng, chà xát mạnh có thể làm tóc rụng nhiều hơn và làm lớp ngoài cùng của tóc bị thô cứng, dễ gãy rụng.
Bên cạnh tần suất gội đầu thì việc lựa chọn dầu gội và dầu xả cũng đóng vai trò quan trọng, giúp bảo vệ và ngăn ngừa tình trạng rụng tóc. Theo đó, việc lựa chọn dầu xả và dầu gội phụ thuộc vào loại tóc và cấu trúc tóc. Cụ thể như sau:
- Đối với tóc bị khô, hư tổn hoặc đã qua nhuộm thì cần lựa chọn các dòng sản phẩm dành riêng cho từng đặc điểm tóc này để giữ cho mái tóc được mềm mại, sáng bóng và không bị hư tổn.
- Đối với tóc rất khô thì không nên dùng các loại dầu gội có tính tẩy quá mạnh như loại dầu gội làm sạch... với tần suất nhiều hơn 1 lần trong tuần;
- Nên hạn chế sử dụng các sản phẩm chứa cả dầu xả và dầu gội 2 trong 1, đặc biệt là đối với tình trạng da đầu tiết nhiều dầu;
- Trong trường hợp da đầu nhiều gàu, có vảy nhờn hoặc ngứa nhiều... bạn nên tham khảo ý kiến của bác sĩ da liễu để có phương pháp điều trị hợp lý. Bên cạnh đó, nên hạn chế việc chà mạnh tay vào da đầu vì chúng có thể gây kích ứng da đầu, chỉ nên xoa bóp nhẹ nhàng bằng đầu ngón tay.
2. Những tác hại khi gội đầu nhiều bằng nước nóng
Gội đầu nhiều bằng nước nóng thường diễn ra vào mùa đông lạnh, bởi chúng giúp cho bạn cảm thấy dễ chịu do da đầu được làm ấm. Tuy nhiên, tình trạng này nếu diễn ra lâu dài sẽ dẫn đến sự chênh lệch nhiệt độ và gây những tác động xấu đến da đầu như sau:
- Tổn thương da đầu: Gội đầu bằng nước nóng có thể dẫn đến tình trạng bỏng rát da đầu, bởi lúc này sự chênh lệch nhiệt độ giữa môi trường và nước là rất rõ rệt. Da đầu có thể xuất hiện các tổn thương như đỏ, đau rát khi va chạm...;
- Tăng tiết gàu và nhờn: Gội đầu bằng nước nóng là nguyên nhân dẫn đến mất lớp dầu tự nhiên trên da. Điều này làm cho da đầu khô tăng tiết dầu nhờn làm cho tóc nhanh bết dính. Gội đầu bằng nước quá nóng cũng khiến da đầu khô, tạo thành vảy và dễ bong tróc, không chỉ làm giảm tính thẩm mỹ mà chúng còn ảnh hưởng đến độ khỏe mạnh của da đầu;
- Làm hỏng cấu trúc tóc: Nước nóng gây ảnh hưởng trực tiếp đến cấu trúc tóc. Bởi nước nóng làm phá vỡ cấu trúc collagen – dưỡng chất nuôi dưỡng tóc chắc khỏe. Từ đó dẫn đến các tình trạng tóc xơ cứng, khô và dễ gãy;
- Dễ bị đau đầu: Gội đầu nhiều bằng nước nóng làm cho da đầu bị thay đổi nhiệt độ đột ngột từ lạnh sang nóng. Sau khi gội, da đầu lại phải tiếp xúc với không khí, nhiệt độ lạnh của môi trường và chuyển từ trạng thái nóng sang lạnh. Quá trình chênh lệch nhiệt độ này làm ảnh hưởng đến quá trình lưu thông máu trên não và gây ra triệu chứng đau đầu. Trong trường hợp thói quen này diễn ra thường xuyên có thể dẫn đến chứng đau đầu mãn tính.
Để hạn chế những ảnh hưởng xấu khi gội đầu bằng nước nóng, bạn cần lưu ý những vấn đề sau đây:
- Gội đầu bằng nước ấm khoảng 40 độ, nên pha với nước lạnh để đạt được nhiệt độ thích hợp;
- Không gội đầu với tần suất quá nhiều lần, nên duy trì thói quen gội đầu khoảng 2 – 3 lần mỗi tuần là phù hợp;
- Nên massage nhẹ nhàng khi gội đầu, thời gian gội hợp lý là khoảng 7 – 10 phút; tránh gội đầu quá lâu vì có thể gây nhiễm lạnh;
- Không gội đầu khi người đang mệt, không gội đầu vào ban đêm;
- Không để tóc ướt khi ngủ, hạn chế sấy tóc quá nhiều lần vì nhiệt độ của máy sấy tóc sẽ làm cho tóc dễ bị tổn thương, khô cứng;
- Bổ sung các loại trái cây, rau củ vào thực đơn như chuối, bơ, các loại quả mọng, đậu, các loại hạt... vì những thực phẩm này giúp tóc bóng mượt, chắc khỏe và hỗ trợ sự phát triển khỏe mạnh của mái tóc