Trực thăng chở Tổng thống Iran Ebrahim Raisi cất cánh gần biên giới Iran-Azerbaijan ngày 19/5 (Ảnh: Reuters).
Hãng tin Al Jazeera đã đăng tải những hình ảnh và video xác nhận, Tổng thống Iran Ebrahim Raisi và các quan chức đi cùng ông đã ngồi trên trực thăng Bell 212 do Mỹ sản xuất trước khi máy bay gặp nạn.
Trực thăng Bell 212 do Bell Textron, một công ty sản xuất hàng không vũ trụ của Mỹ có trụ sở tại Fort Worth, Texas, sản xuất. Bell 212 là một trong những mẫu trực thăng mang tính biểu tượng và trở thành một phần quan trọng trong dòng máy bay trực thăng của Bell Textron.
Bell Helicopter đã phát triển dòng trực thăng này cho quân đội Canada vào cuối những năm 1960 như một bản nâng cấp của chiếc UH-1 Iroquois. Thiết kế mới sử dụng hai động cơ trục tua-bin thay vì một động cơ, mang lại khả năng chuyên chở lớn hơn. Theo tài liệu huấn luyện quân sự của Mỹ, loại trực thăng này được giới thiệu vào năm 1971 và nhanh chóng được cả Mỹ và Canada sử dụng.
Sau khi được trình làng Bell 212 nhanh chóng khẳng định sức mạnh "ngựa thồ" trong ngành công nghiệp trực thăng. Với cấu hình động cơ đôi, mang lại sức mạnh và độ tin cậy cao hơn so với phiên bản tiền nhiệm, Bell 212 phù hợp để thực hiện nhiều nhiệm vụ bao gồm vận tải, tìm kiếm cứu nạn, cứu hỏa và hoạt động quân sự. Bell 212 có thể thích ứng với mọi tình huống, bao gồm chở người, triển khai thiết bị chữa cháy trên không, vận chuyển hàng hóa và lắp đặt vũ khí.
Mẫu máy bay của Iran bị rơi hôm 19/5 được sử dụng để chở khách, bao gồm các quan chức chính phủ. Bell Helicopter từng quảng cáo phiên bản mới nhất, Subaru Bell 412, dành cho cảnh sát, vận tải y tế, vận tải quân đội, nhiên liệu và chữa cháy. Theo tài liệu chứng nhận với Cơ quan An toàn Hàng không Liên minh châu Âu, nó có thể chở 15 người, bao gồm phi hành đoàn.
Các tổ chức sử dụng Bell 212 bao gồm cảnh sát biển Nhật Bản; cơ quan thực thi pháp luật và sở cứu hỏa Mỹ; cảnh sát quốc gia Thái Lan và nhiều đơn vị khác. Hiện chưa rõ chính phủ Iran vận hành bao nhiêu chiếc Bell 212, nhưng lực lượng không quân và hải quân của nước này có tổng cộng 10 chiếc, theo danh mục Lực lượng Không quân Thế giới năm 2024 của FlightGlobal.
Mặc dù được đánh giá cao về độ chắc chắn và tin cậy, Bell 212 vẫn liên quan đến một số vụ tai nạn trong những năm qua.
Mặc dù các trực thăng hiện đại được trang bị các tính năng an toàn tiên tiến và trải qua quy trình bảo trì nghiêm ngặt, tai nạn vẫn có thể xảy ra do các yếu tố như trục trặc kỹ thuật, điều kiện thời tiết bất lợi, lỗi của con người hoặc sự kết hợp của các yếu tố này. Thông thường, tai nạn trực thăng là sự việc phức tạp, thường liên quan đến nhiều yếu tố.
Theo Tổ chức An toàn Chuyến bay, một tổ chức phi lợi nhuận tập trung vào an toàn hàng không, vụ tai nạn chết người gần đây nhất liên quan đến Bell 212 là vào tháng 9/2023, khi một trực thăng do tư nhân vận hành bị rơi ngoài khơi Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất. Theo cơ sở dữ liệu của tổ chức, vụ tai nạn của trực thăng này gần đây nhất ở Iran là vào năm 2018, khiến 4 người thiệt mạng.