Bootstrap Logo

Bảo đảm sự minh bạch trong quá trình thẩm định, phê duyệt nhiệm vụ quy hoạch

AvatarViết Tuấn

Sáng nay (28/6), Quốc hội thảo luận về dự án Luật Quy hoạch đô thị và quy hoạch nông thôn. Đại biểu cho ý kiến về nhiều nội dung như phân cấp trách nhiệm, điều chỉnh quy hoạch; kinh phí, nguồn lực hỗ trợ quy hoạch; tổ chức quy hoạch…

Đảm bảo tính khách quan, minh bạch trong thẩm định, phê duyệt nhiệm vụ quy hoạch

Góp ý tại hội trường, đại biểu Triệu Thị Huyền (Yên Bái) bày tỏ thống nhất với dự thảo Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn và Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế.

Liên quan tới đối tượng, nội dung, hình thức và thời gian lấy ý kiến đối với quy hoạch đô thị và nông thôn, bà Huyền kiến nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu điều chỉnh theo hướng nếu đã lấy ý kiến ở mức thẩm định nhiệm vụ, thẩm định quy hoạch thì sẽ không lấy ý kiến ở mức tổ chức lập quy hoạch để nhằm giảm bớt thủ tục, đẩy nhanh tiến độ trong công tác lập quy hoạch. Đồng thời, lược bỏ quy định về lấy ý kiến cộng đồng dân cư đối với nhiệm vụ quy hoạch chi tiết đô thị và nông thôn.

Bà Triệu Thị Huyền - Đại biểu Quốc hội tỉnh Yên Bái (Ảnh: Quochoi.vn).

Về Hội đồng thẩm định quy hoạch, bà Huyền cũng kiến nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu quy định lại theo hướng người đứng đầu cơ quan chuyên môn thực hiện chức năng quản lý Nhà nước về quy hoạch đô thị và nông thôn cấp tỉnh, cấp huyện được ủy quyền là Chủ tịch Hội đồng thẩm định để đảm bảo tính khách quan, công tâm, minh bạch trong thẩm định, phê duyệt nhiệm vụ quy hoạch.

Cũng góp ý dự án Luật Quy hoạch đô thị và quy hoạch nông thôn, đại biểu Nguyễn Thị Ngọc Xuân (Bình Dương) kiến nghị, trình tự lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch đô thị và nông thôn cần bổ sung nội dung lấy ý kiến nhân dân về quy hoạch đô thị và quy hoạch nông thôn để phù hợp với pháp luật hiện hành.

Bên cạnh đó, các loại điều chỉnh quy hoạch đô thị và nông thôn và nguyên tắc điều chỉnh, bà Xuân kiến nghị bổ sung nội dung đối với nhà ở xã hội, cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư, tái định cư tại chỗ được ưu đãi về mật độ xây dựng, hệ số sử dụng đất nhằm đẩy nhanh tiến độ dự án, đáp ứng nhu cầu của người dân.

Đồng quan điểm trên, đại biểu Trần Văn Tiến (Vĩnh Phúc) cũng đề nghị bổ sung thêm nội dung về lấy ý kiến nhân dân về quy hoạch đô thị và quy hoạch nông thôn.

Ông Trần Văn Tiến - Đại biểu Quốc hội tỉnh Vĩnh Phúc (Ảnh: Quochoi.vn).

Về trình tự điều chỉnh quy hoạch đô thị và quy hoạch nông thôn, ông Tiến đề nghị, khi điều chỉnh cục bộ quy hoạch mà không làm thay đổi mục tiêu quy hoạch, nên ủy quyền cho cấp dưới một cấp để tổ chức thực hiện, nhằm giảm thủ tục hành chính và giảm thời gian cho việc điều chỉnh cục bộ quy hoạch. Cần quy định rõ về thời gian lập, thẩm định và phê duyệt việc điều chỉnh tổng thể và điều chỉnh cục bộ quy hoạch đô thị và quy hoạch nông thôn.

Cũng góp ý về việc phân cấp, phân quyền trong xây dựng và quản lý quy hoạch đô thị và nông thôn, đại biểu Thái Thị An Chung (Nghệ An) cho rằng, dự thảo Luật cần làm rõ khi địa phương thực hiện điều chỉnh cục bộ có cần thiết phải xin ý kiến Bộ Xây dựng hay không.

Biện pháp nào được quy định để bảo đảm quy hoạch đã được địa phương phê duyệt không bị điều chỉnh tùy tiện, phá vỡ quy hoạch dẫn đến chất lượng môi trường sống, làm việc tại đô thị và nông thôn bị suy giảm.

Bà Thái Thị An Chung - Đại biểu Quốc hội tỉnh Nghệ An (Ảnh: Quochoi.vn).

Cùng với việc phân cấp, phân quyền, bà Chung đề nghị cần tiếp tục nghiên cứu, xây dựng năng lực của các cấp trong công tác lập, thẩm định, phê duyệt các loại quy hoạch.

Tránh chồng chéo trong nội bộ hệ thống quy hoạch

Cho ý kiến tại phiên thảo luận, đại biểu Hoàng Văn Cường (TP Hà Nội) nhấn mạnh, quy hoạch đô thị và quy hoạch nông thôn là hai phạm trù khác nhau nhưng lại có sự đan xen vào nhau.

Do đó, việc xây dựng Luật này là hết sức cần thiết để có một hệ thống quy hoạch đồng bộ, đảm bảo tính tích hợp, tính bao quát, tránh chồng chéo các quy hoạch với nhau, kết hợp hài hòa giữa phát triển đô thị với xây dựng nông thôn.

Ông Hoàng Văn Cường - Đại biểu Quốc hội TP Hà Nội (Ảnh: Quochoi.vn).

Theo ông Cường, các quy hoạch đô thị và nông thôn tuy đã có sàng lọc song vẫn còn chồng chéo trong nội bộ hệ thống quy hoạch được điều chỉnh tại dự án Luật này cũng như các quy hoạch điều chỉnh tại Luật Quy hoạch.

"Dự thảo Luật này trên địa bàn tỉnh sẽ có quy hoạch chung thành phố thuộc tỉnh, quy hoạch chung thị xã, quy hoạch chung huyện với cùng tỉ lệ phủ kín toàn bộ không gian của một tỉnh. Nhưng sau đó lại có quy hoạch chung khu chức năng, phải chăng quy hoạch này sẽ trùng với các quy hoạch trên?", ông Cường dẫn chứng.

Cơ bản thống nhất với Tờ trình và Báo cáo thẩm tra về dự án Luật Quy hoạch đô thị và quy hoạch nông thôn, đại biểu Mai Văn Hải (Thanh Hóa) đề nghị, cần tiếp tục rà soát lại cho phù hợp với quy định của Luật Quy hoạch năm 2017.

Ông Hải đề nghị cần làm rõ mối quan hệ giữa các quy hoạch đô thị và quy hoạch nông thôn là quy hoạch ngành quốc gia với quy hoạch đô thị, quy hoạch nông thôn thuộc hệ thống quy hoạch quốc gia.

Do đó, để tránh chồng chéo giữa các quy hoạch, ông Hải cho rằng, cần xem xét mối quan hệ trong việc xác lập các quy hoạch đô thị và quy hoạch nông thôn, nhất là quy hoạch nông thôn đối với các huyện, xã, quy hoạch đô thị với các thị xã, thị trấn, đô thị mới.

Về quy hoạch chung huyện, theo ông Hải, quy hoạch chung huyện, quy hoạch chung xã không thống nhất với thời kỳ quy hoạch sử dụng đất cũng như thời kỳ theo quy định của Luật Quy hoạch năm 2017, dẫn tới quy hoạch chung xã, quy hoạch chung huyện sẽ khó khăn, nhất là việc phân bổ, sử dụng đất đai trong thời kỳ quy hoạch.

Đại biểu cũng bày tỏ sự đồng tình về chủ trương tăng cường phân cấp, phân quyền trong lập, thẩm định, phê duyệt, điều chỉnh quy hoạch đô thị và nông thôn, đồng thời đơn giản hóa trình tự, thủ tục trong lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch, đáp ứng yêu cầu cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh.

Chưa có bình luận hãy là người đầu tiên bình luận!

First Image

BÀI VIẾT CÙNG CHỦ ĐỀ