Dự kiến ngày 16/7, TAND TPHCM mở phiên tòa xét xử bị cáo Nguyễn Thị Minh Phụng (43 tuổi, quê Bình Định) và 23 đồng phạm về tội Buôn lậu.
Theo cáo trạng, từ năm 2012, Ngân hàng Nhà nước quản lý chặt nhập khẩu vàng thỏi, vàng miếng, vàng nguyên liệu.
Lợi dụng thị trường có nhu cầu tiêu thụ vàng miếng, vàng nguyên liệu và giá vàng trong nước cao hơn Campuchia nên bị cáo Nguyễn Thị Minh Phụng cầm đầu, móc nối với Nguyễn Thị Ngọc Giàu, có 20 người tham gia, buôn lậu 4.830kg vàng thỏi, trị giá hơn 6.600 tỷ đồng.
Số hàng này họ bán lại cho khách trong nước nhằm thu lợi bất chính. Một trong những tiệm vàng mua hàng nhập lậu là tiệm vàng Phúc Hằng, có trụ sở tại Hà Nội.
Bà Hằng đang bị truy nã (Ảnh: Bộ Công an).
Theo hồ sơ vụ án, bị can Đặng Thị Thanh Hằng là chủ tiệm vàng Phúc Hằng, có trụ sở tại quận Hoàn Kiếm, Hà Nội và chi nhánh tại TPHCM.
Tiệm kim hoàn của bà Hằng không được phép kinh doanh vàng miếng, vàng thỏi, vàng nguyên liệu, nhưng bà đã mua vàng thỏi nhập lậu, không có hóa đơn, chứng từ, giá rẻ hơn thị trường trong nước từ Nguyễn Minh Phụng, rồi bán lại kiếm lời.
Để che giấu nguồn gốc vàng nhập lậu, Hằng yêu cầu Phụng phải xóa hết chữ nước ngoài trên thỏi vàng trước khi giao cho nhân viên của bà ta, việc giao nhận không có ký nhận gì.
Tiếp đó, bà chủ tiệm vàng Phúc Hằng chỉ đạo Nguyễn Duy Đức (nhân viên tiệm vàng Phúc Hằng) chỉ nhận vàng khi xóa chữ, nhằm tránh bị cơ quan chức năng phát hiện, xử lý.
Sau khi thỏa thuận mua vàng từ Phụng, Hằng giao cho Đặng Nam Trung (em ruột), hoặc thông qua một số nhân viên hàng không của Vietnam Airlines, gửi tiền mua vàng vào TPHCM cho Đức để thực hiện việc mua vàng nhập lậu.
Hồ sơ vụ án thể hiện, từ ngày 3/8/2022 đến 28/9/2022, bà Hằng đã mua của Phụng 293kg vàng lậu, với tổng trị giá gần 400 tỷ đồng. Tiệm kim hoàn Phúc Hằng đã bán cho tiệm Kim Hiền Bình Minh 50kg vàng, trị giá 72,6 tỷ đồng. Số còn lại, người phụ nữ này chỉ đạo đồng phạm chuyển ra Hà Nội tiêu thụ.
Ngày 26/9/2022, Hằng xuất cảnh nên Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an quyết định truy nã. Ngày 25/1, nhà chức trách đã quyết định tạm đình chỉ điều tra đối với bà Hằng, lúc nào bắt được sẽ xử lý sau.
Là một mắt xích quan trọng trong việc đưa vàng nhập lậu từ TPHCM ra Hà Nội, bị cáo Nguyễn Duy Đức thừa nhận hành vi phạm tội như cáo buộc. Người này nói, việc giao nhận vàng được anh ta ghi chép đầy đủ và báo cáo cho Hằng mỗi ngày. Đồng thời, Đức khai được bà chủ tiệm vàng Phúc Hằng trả tiền lương 10 triệu đồng/tháng.
Là em ruột bà Hằng, bị cáo Trung thường xuyên đi lại giữa Hà Nội và TPHCM giao tiền, nhận vàng theo sự phân công của chị gái. Khi làm thủ tục bay, Trung đi qua cửa kiểm soát an ninh sân bay Tân Sơn Nhất và có quen biết với nhân viên. Khi mang vàng ra Hà Nội, anh ta nhờ làm thủ tục lên máy bay trước. Trường hợp không trực tiếp mang vàng ra được, Trung sẽ gửi tiếp viên hàng không mang giúp ra Hà Nội.
Tại cơ quan điều tra, bị cáo Đặng Nam Trung không thừa nhận hành vi phạm tội. Tuy nhiên, anh ta thừa nhận toàn bộ diễn biến, thời gian thực hiện hành vi như hồ sơ vụ án. Người đàn ông này khai số hành lý mang từ TPHCM ra Hà Nội là những tấm đồng dùng làm đồ tang lễ. Nhưng, căn cứ vào hồ sơ vụ án, các chứng cứ thu nhập được, nhà chức trách xác định Trung đã có hành vi Buôn lậu.
Quá trình điều tra, nhà chức trách phát hiện, tạm giữ nhiều dữ liệu liên quan giao dịch mua bán, vận chuyển vàng lậu của các bị cáo. Trong đó, dữ liệu trên điện thoại của Nguyễn Duy Đức, Nguyễn Thanh Huyền (cùng là nhân viên tiệm vàng Phúc Hằng) có nhóm chat "chân dài 1m2".
Nội dung những tin nhắn này thể hiện, bà Hằng thường xuyên chỉ đạo nhân viên giao tiền, mua vàng, nhận vàng theo từng ngày rồi vận chuyển ra Hà Nội để giao cho những khách hàng khác.
Quá trình điều tra, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã quyết định trưng cầu giám định kỹ thuật điện tử đối với nhóm chat "chân dài 1m2". Theo đó, kết luận thể hiện tìm thấy 2.651 tin nhắn trong nhóm chat trên và nội dung tin nhắn có dấu hiệu bị cắt ghép, chỉnh sửa.