Bootstrap Logo

Nhà ở tạm cho nạn nhân bạo hành gặp khó khăn về việc thu hút khách, đồng thời vui mừng nhưng cũng lo lắng

AvatarTrung Khoa

Đồ dùng để cất kho, 2 năm "ế khách"

Bà Lê Thị Xuân, Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ (LHPN) xã Tân Phúc, huyện Lang Chánh, cho biết mô hình "Địa chỉ tin cậy cộng đồng" ở địa phương được thành lập tháng 12/2022, gồm 31 thành viên, địa điểm được đặt tại Trạm Y tế xã Tân Phúc.

Theo bà Xuân, tại mỗi địa chỉ tin cậy đều trang bị nhà tạm lánh, với đầy đủ đồ dùng sinh hoạt, đảm bảo an toàn cho nạn nhân và người báo tin.

Địa chỉ tin cậy cộng đồng tại xã Tân Phúc, huyện Lang Chánh (Ảnh: Hạnh Linh).

Nạn nhân đến nhà tạm lánh được bảo vệ, khám sức khỏe, lo ăn uống, tư vấn miễn phí; phân tích các hành vi bạo lực, vòng tròn bạo lực, cách xử lý và ứng phó khi bạo lực xảy ra. Qua đó giúp nạn nhân dần ổn định tâm lý, nhận thức rõ vấn đề của mình và có hướng giải quyết.

Gần 2 năm đi vào hoạt động, các đồ dùng trong nhà tạm lánh ở địa phương này vẫn còn nguyên trong hộp; phòng ốc gọn gàng, sạch sẽ như khách sạn nhưng các thành viên trong tổ chưa phải mở cửa đón tiếp một nạn nhân nào.

"Mỗi lần đi tuyên truyền chúng tôi đều nhấn mạnh khi xảy ra bạo lực, các nạn nhân hãy tìm đến "Địa chỉ tin cậy". Song gần 2 năm qua, tất cả các tình huống tổ nhận được, đều giải quyết bằng cách hòa giải, không ai phải đến nhà tạm lánh", bà Xuân nói.

Chủ tịch Hội LHPN xã Tân Phúc cho hay, nếu như với những người làm dịch vụ khác, càng có nhiều khách càng tốt, thì đối với các thành viên trong tổ "địa chỉ tin cậy", nhà tạm lánh "ế khách" lại càng vui. Điều đó chứng tỏ nhận thức của người dân về bình đẳng giới được nâng lên.

Tương tự, nhà tạm lánh của "Địa chỉ tin cậy" xã Yên Khương, huyện Lang Chánh được đặt tại Trạm y tế xã này cũng trong tình trạng "vắng khách".

Bà Lò Thị Tương, Chủ tịch Hội LHPN xã Yên Khương, cho biết trước đây, bạo lực gia đình thường xuyên xảy ra. Từ khi thành lập "Địa chỉ tin cậy", hàng tháng các thành viên trong tổ đến tận thôn, bản tổ chức tuyên truyền về bình đẳng giới, bạo lực gia đình; phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới; trang bị những kiến thức cơ bản về Luật hôn nhân gia đình,…

Các thành viên trong tổ "Địa chỉ tin cậy" xã Tân Phúc vui vì đồ dùng trong nhà tạm lánh chưa phải dùng đến (Ảnh: Hạnh Linh).

Hình thức tuyên truyền không chỉ là lý thuyết suông mà còn có hình ảnh, video, hướng dẫn giải quyết các tình huống cụ thể trong cuộc sống. Nhờ đó, tình trạng bạo lực gia đình gần như không còn xuất hiện ở địa bàn xã Yên Khương; tỷ lệ tảo hôn là 0%.

"Các thành viên trong tổ ai cũng vui khi đồ đạc phục vụ cho các nạn nhân đến tránh trú tại ngôi nhà tạm lánh vẫn cất ở trong kho, chưa phải dùng đến", bà Tương nói. 

Đường dây "nóng", cuộc gọi "lạnh"?

Thống kê của Hội LHPN xã Thanh Sơn, huyện Như Xuân (Thanh Hóa), gần 2 năm qua, đường dây "nóng" của "địa chỉ tin cậy" xã Thanh Sơn chỉ nhận vỏn vẹn 1 cuộc điện thoại của bé gái phản ánh về việc mẹ của em là chị L.T.T. bị người bố nghiện rượu chửi mắng, đánh.

"Bị chồng chửi, tôi chỉ biết im lặng chịu đựng. Tuy nhiên, càng nhẫn nhịn, anh ấy càng đập phá, chửi, đánh nhiều hơn. Nhiều lần, tôi muốn chấm dứt cuộc sống hôn nhân nhưng thương các con. Năm ngoái, thấy bố mẹ lục đục, con gái tôi đã gọi cho tổ địa chỉ tin cậy nhờ giúp đỡ", chị T. kể lại.

Một góc nhà tạm lánh ở xã Thanh Sơn, huyện Như Xuân (Ảnh: Hạnh Linh).

Người phụ nữ 40 tuổi cho biết, trong đêm, các thành viên trong tổ "địa chỉ tin cậy" đến hòa giải. Sau đó, công an xã mời vợ chồng lên làm việc và chồng chị phải ở lại UBND xã cải tạo 2 ngày.

Ông Lương Văn Nhất, Phó Chủ tịch UBND xã Thanh Sơn, cho biết những năm qua, nhờ mô hình "Địa chỉ tin cậy", số vụ bạo lực gia đình trên địa bàn giảm mạnh.

"Năm 2021 trên địa bàn xã ghi nhận 22 vụ, đến năm 2023 giảm còn 6 vụ. Đặc biệt, trong 6 tháng đầu năm nay chưa ghi nhận trường hợp nào. Nguyên nhân các vụ bạo lực gia đình xuất phát từ định kiến về giới, tư tưởng trọng nam, khinh nữ, rượu bia, cờ bạc, đói nghèo…", ông Nhất thông tin.

Ông Lương Văn Nhất, Phó Chủ tịch UBND xã Thanh Sơn, huyện Như Xuân (bên trái) trong một lần đi tuyên truyền về bình đẳng giới (Ảnh: Hạnh Linh).

Theo ông Nhất, chấm dứt bạo lực gia đình cần có sự thay đổi từ chính người trong cuộc và chính quyền địa phương, cũng như các tổ chức chính trị - xã hội khác. Gần 2 năm thực hiện mô hình địa chỉ tin cậy, đối tượng tuyên truyền của mô hình đã thay đổi.

Vốn là điểm nóng về bạo lực gia đình nên xã Thanh Quân, huyện Như Xuân có đến 2 "Địa chỉ tin cậy". Bà Vi Thị Tình, Chủ tịch Hội LHPN xã Thanh Quân vừa mừng vừa lo khi hơn 2 năm qua, nhà tạm lánh vắng khách và số cuộc gọi đến đường dây nóng chỉ đếm trên đầu ngón tay.

Theo bà Tình, khi bị bạo lực, tâm lý của chị em phụ nữ vùng cao còn cam chịu, không chịu "vùng" lên, không chia sẻ với người khác vì nghĩ rằng "xấu chàng hổ ai". Ngoài ra, họ còn không dám gọi điện cầu cứu sự giúp đỡ, đến tránh trú ở nhà tạm lánh khi bạo lực xảy ra.

Hướng dẫn giải quyết các tình huống bạo lực cụ thể tại huyện Như Xuân (Ảnh: Hội LHPN huyện Như Xuân).

"Chị em sợ chồng bị công an bắt, phải bỏ tiền nộp phạt cho chồng. Chính các chị em đang "tiếp tay" cho bạo lực gia đình và chưa biết cách bảo vệ mình", bà Tình nói.

Bà Lê Thị Hà, Phó chủ tịch Hội LHPN huyện Như Xuân, cho biết trên địa bàn huyện có 4 mô hình "Địa chỉ tin cậy". Đến thời điểm này, may mắn tất cả các nhà tạm lánh chưa phải đón tiếp nạn nhân, ít cuộc gọi đến số đường dây nóng.

"Ngăn chặn, chấm dứt bạo lực gia đình, đó là một câu chuyện dài và vẫn chưa thể đi đến hồi kết. Tuy nhiên, con đường ấy đang được rút ngắn bằng nhiều cách. Sau thời gian thực hiện mô hình, sự thay đổi lớn nhất là nhận thức, hành vi và bình đẳng giới được nâng lên", bà Hà chia sẻ.

Chưa có bình luận hãy là người đầu tiên bình luận!

First Image

BÀI VIẾT CÙNG CHỦ ĐỀ