Nguồn cung khí đốt của Nga cho EU thông qua đường ống dẫn khí TurkStream đã tăng vọt hơn 40% trong 7 tháng đầu năm nay so với cùng kỳ năm 2023, theo dữ liệu từ Entsog, tập đoàn truyền tải khí đốt châu Âu.
Chỉ tính riêng trong tháng 7, tập đoàn dầu khí Nga Gazprom đã cung cấp hơn 1,5 tỷ m3 khí đốt cho EU thông qua đường ống TurkStream, tăng 29% so với tháng trước đó.
Các chuyên gia cho rằng nhu cầu khí đốt của Nga tăng cao do các đợt nắng nóng bất thường tại châu Âu. Tính từ đầu năm đến nay, lượng khí đốt tự nhiên xuất khẩu của Gazprom sang EU đã lên tới 18,3 tỷ m3. Lưu lượng hàng năm ở châu Âu đạt đỉnh vào năm 2018-2019 ở mức từ 175-180 tỷ m3.
Theo Reuters, Nga đã cung cấp tổng cộng khoảng 63,8 tỷ m3 khí đốt cho châu Âu theo nhiều tuyến đường khác nhau vào năm 2022.
Tập đoàn Gazprom từng là nhà cung cấp khí đốt chính của EU. Tuy nhiên, sau khi xung đột Nga - Ukraine nổ ra vào năm 2022, "ông lớn" năng lượng Nga đã giảm đáng kể lượng xuất khẩu sang EU do lệnh trừng phạt của phương Tây.
Đường ống dẫn khí TurkStream (Ảnh: Avim).
TurkStream là đường ống dẫn khí đốt tự nhiên chạy từ Nga đến Thổ Nhĩ Kỳ qua Biển Đen và sau đó tiếp tục đến biên giới Hy Lạp.
Trước đó, châu Âu đặt mục tiêu hoàn toàn không phụ thuộc vào nguồn năng lượng nhập khẩu từ Nga vào năm 2027. Các quan chức EU đã kêu gọi hành động phối hợp nhằm giảm nhập khẩu khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) của Nga với tất cả các quốc gia thành viên.
EU đã nỗ lực thay thế nguồn cung khí đốt Nga bằng cách nhập khẩu LNG từ các quốc gia khác. Mỹ đã trở thành quốc gia cung cấp khí đốt lớn nhất cho EU. Điều này đã dẫn đến chi phí tăng đáng kể cho người tiêu dùng châu Âu.
Tuy nhiên, theo Bloomberg, các nhà cung cấp của Mỹ đã giảm lượng LNG vận chuyển đến EU vào tháng 7, thay vào đó, họ tăng lượng xuất khẩu LNG sang các khu vực trả giá cao hơn ở châu Á.
Trong tháng 7 vừa qua, Mỹ đã vận chuyển nhiều khí đốt đường biển hơn đến người tiêu dùng châu Á vì nhu cầu tại đây tăng vọt do thời tiết nắng nóng.
Sau khi bị EU áp lệnh cấm vận, Nga đã chuyển hướng dòng chảy khí đốt sang châu Á, chủ yếu là Trung Quốc, giúp doanh thu từ xuất khẩu mặt hàng này với nước tiêu thụ năng lượng hàng đầu thế giới tăng gần 50% so với trước năm 2022.