Chủ nhật, ngày mọi người được nghỉ ngơi sau một tuần làm việc mệt mỏi, thì với chị Trần Thị Xuân (33 tuổi, Vân Canh, Hoài Đức, Hà Nội), lại là những giờ phút tất bật, không ngơi tay.
Vừa chăm sóc đứa con bị mù, vừa lo lắng từng chút một cho em trai - Trần Tuấn Anh (27 tuổi) - nằm liệt giường cả năm nay.
Sau bữa trưa vội vàng, chị Xuân tất tả xách xô, chậu vào phòng em trai, cẩn thận lật từng lớp chăn, cái gối kê người cho Tuấn Anh, điều chỉnh chiếc giường rồi cùng mẹ đỡ em dậy chuẩn bị gội đầu cho cậu.
Hôm nay là ngày Tuấn Anh được vệ sinh cá nhân, công việc này chị Xuân đã làm không biết bao nhiêu lần trong hơn mười năm qua.
Tuấn Anh giờ nằm một chỗ mọi sinh hoạt đều phụ thuộc vào người chị gái (Ảnh: Nguyễn Ngoan).
Mỗi động tác của chị đều nhẹ nhàng, chỉ sợ làm em trai đau. Cơ thể Tuấn Anh chỉ còn da bọc xương, một chút mạnh tay có thể làm cậu khó chịu. Dội từng ca nước, chị Xuân gội sạch đầu, cho em trai, rồi quay lại kiểm tra máy thở, thay tã...
Dù đã làm không biết bao nhiêu lần, nhưng khi nhìn thấy cơ thể đang ngày một teo đi của Tuấn, tim chị Xuân vẫn nhói lên.
Phía ngoài nhà lớn, trái ngược với sự tĩnh lặng trong phòng, tiếng trẻ con hàng xóm nô đùa, hòa cùng tiếng đàn của Hoàng Minh, đứa con trai bị khiếm thị của chị Xuân. Nhìn đám trẻ vui đùa, chị Xuân mỉm cười, có chút an ủi sau nhiều biến cố ập tới.
10 năm làm đôi chân cho em
Chị Xuân được biết đến với hành trình 10 năm cõng em trai là Trần Tuấn Anh bại liệt tới giảng đường. Câu chuyện của chị Xuân từng truyền cảm hứng cho nhiều người, thu hút sự chú ý của cộng đồng.
Thời gian trôi qua những tưởng hai chị em đã gặt hái được quả ngọt khi em trai tốt nghiệp đại học, có việc làm. Nhưng hàng loạt biến cố chẳng ai dám nghĩ tới liên tục ập đến. Cậu em trai được chị cõng đi học ngày nào giờ nằm liệt một chỗ, con trai chị Xuân cũng rơi vào cảnh mù lòa không thấy ánh sáng.
Chị Xuân là con thứ 2 trong gia đình, trên còn chị gái, Tuấn Anh là em út. Chàng trai vốn sinh ra khỏe mạnh, nhưng đến lớp 4 bắt đầu đi lại khó khăn, thường xuyên vấp ngã, bàn chân teo dần.
Qua vài lần thăm khám gia đình như sụp đổ khi biết cậu mắc bệnh loạn dưỡng cơ bẩm sinh, một căn bệnh không thể phục hồi. Từ ngày ấy Tuấn Anh mất dần khả năng vận động.
Dù không thể đi lại và sinh hoạt bình thường như các bạn nhưng bù lại Tuấn Anh rất thông minh. Em đặc biệt có năng khiếu với môn sử và yêu thích tìm hiểu, khám phá về khoa học. 12 năm liền, Tuấn Anh đều là học sinh giỏi toàn diện, trong đó em đạt khá nhiều giải thưởng cao trong các kỳ thi học sinh giỏi của trường và của tỉnh. Năm 2015, tốt nghiệp THPT Tuấn Anh thi đỗ vào trường ĐH Công Nghệ - ĐH Quốc Gia Hà Nội với số điểm khá cao 107/140.
Dù tốt nghiệp Đại học Công nghiệp Hà Nội với tấm bằng giỏi nhưng chị Xuân lại lựa chọn làm nhân viên quán cà phê đối diện trường em trai học để thuận tiện đưa Tuấn Anh đi học.
Nghĩ lại khoảng thời gian ấy, người phụ nữ 33 tuổi nói không có gì tiếc nuối, vì so với các thành viên khác trong gia đình, Tuấn Anh thiệt thòi hơn rất nhiều. Nếu chị đi làm không ai đưa em trai tới trường, tương lai của cậu sẽ dừng lại sau 4 bức tường nhà vây hãm.
"Tôi làm chậm vài năm vẫn có thể xin được việc, nhưng nếu không đi học, Tuấn Anh sẽ không có tương lai", chị Xuân nói.
Cho đến khi lập gia đình, chị Xuân vẫn thuyết phục chồng ở nhà ngoại để tiếp tục đưa đón em đi học. May mắn chồng chị cũng thông cảm và ủng hộ.
Chị Xuân nhớ, có ngày trời mưa chị đèo Tuấn Anh đi học bị ngã xe, một mình bất lực không thể đỡ em trai lên xe vì Tuấn Anh nặng hơn 60kg, còn chị chỉ có 40kg. Nhờ mọi người giúp đỡ nhưng không ai dám dừng xe, họ sợ bị ăn vạ.
10 năm trước, câu chuyện của chị Xuân cõng em trai đến trường từng truyền cảm hứng cho nhiều người (Ảnh: XN).
Cõng em lên tầng 3 thang bộ trường đại học, người lại gầy gò nên có lúc đôi bàn chân chị Xuân tưởng như ngã khụy. Có ngày Tuấn Anh học dồn ca, chị Xuân phải cõng em lên xuống đến 4-5 lần.
"Ngày ấy bản thân mình cũng không hiểu sao lại khỏe như vậy", chị Xuân cười nói.
Ngày Tuấn Anh tốt nghiệp, được nhận vào làm tại một công ty công nghệ. Chị Xuân mừng vì em đã có tương lai, bản thân cũng có thể dành cho mình chút thời gian nghỉ ngơi.
Số phận trêu đùa, đằng đẵng 10 năm cõng em đến trường nhưng chị không thể tận mắt chứng kiến em nhận bằng. Thứ chị Xuân đối mặt là bản kết luận con mình mắc ung thư và người em trai bệnh tật phải nằm một chỗ.
Biến cố chồng biến cố
"Em trai đi nhận bằng tốt nghiệp, còn mình đưa con đi viện, đấy là ngày cuộc đời tôi không thể nào quên", người chị gái gạt nước mắt kể lại.
Hoàng Minh, con trai chị từ một cậu bé khỏe mạnh mất dần thị lực. Cầm trên tay bệnh án chị Xuân ước đây là cơn ác mộng, muốn thật nhanh tỉnh, nhưng mãi không thoát ra được.
Chị lặng lẽ ôm con khóc, sau những đau thương, cố gắng vực lại tinh thần, hỏi thăm bác sĩ về phương pháp điều trị. Người mẹ vay tiền khắp nơi để tìm cơ hội sống cho con trai. May mắn sau phẫu thuật Minh qua cơn nguy hiểm, nhưng cũng từ ngày ấy mắt của cậu bé không nhìn thấy nữa.
Nhìn con hàng ngày chìm trong bóng tối, chị Xuân không thể ngồi yên, đi khắp nơi tìm trường học cho con. Thời điểm ấy trong chị chỉ có một suy nghĩ "Minh có thể không thấy ánh sáng, nhưng không thể mù chữ".
Tuấn Anh nằm một chỗ nhưng vẫn cố gắng sử dụng kiến thức được học phụ giúp chị gái có thêm thu nhập (Ảnh: Nguyễn Ngoan).
Sau nhiều lần thăm hỏi biết được trường Nguyễn Đình Chiểu quận Hoàng Mai nhận học sinh khiếm thị, không quản đường xa, ngày hai lần chị đi hơn 20km cho con học can thiệp, rồi lại đưa Minh về học mầm non tại trung tâm gần nhà.
9 tuổi, dù không nhìn thấy nhưng Hoàng Minh bộc lộ đam mê với âm nhạc, tuy nhiên mất đi ánh sáng, chẳng ai chịu nhận dạy cậu bé, cho đến khi cô giáo Phạm Ánh Ngà - giáo viên piano biết hoàn cảnh đã đồng ý dạy miễn phí cho cậu bé.
Nhà nhiều khó khăn, nhưng để ủng hộ đam mê của con, chị Xuân tìm mua một cây đàn cũ hỏng bị người ta bỏ đi, về sửa lại. May mắn qua tay thợ chiếc đàn vẫn dùng được. Từ ngày ấy trong nhà có thêm tiếng đàn của Minh, nhiều lúc mệt mỏi nghe con trai đàn chị Xuân có thêm động lực để cố gắng.
Năm 2023, Tuấn Anh bị Covid-19 phải cấp cứu. 20 ngày nằm viện, cậu bị xẹp một bên phổi, ba lần cai máy thở không thành, bác sĩ kết luận cậu phải dùng máy thở cả đời.
Từ chàng trai bại liệt ngồi xe lăn, Tuấn Anh phải nằm tại chỗ, đặt nội khí quản, sống nhờ máy móc. Toàn bộ tiền dành dụm bao năm đi làm sau một lần nằm viện đã tiêu hết, cộng thêm khoản vay mượn bên ngoài mới đủ mua máy thở cho cậu.
Nằm trong căn phòng nhỏ ở nhà Tuấn Anh thu mình, ngại tiếp xúc với người ngoài. Từ cơ thể nặng 60kg, với nụ cười hoạt bát, giờ đây Tuấn Anh gầy gò, tay chân teo lại phần vì bệnh tật, phần vì nằm quá lâu.
Chàng trai 27 tuổi chia sẻ, cuộc sống của cậu xảy ra nhiều biến cố, cậu từng tuyệt vọng đến không thiết sống khi phải nằm tại chỗ, ăn uống, vệ sinh phụ thuộc vào chị gái.
Tuy nhiên sau tất cả, cậu trưởng thành hơn, biết chấp nhận, sống vui vẻ hơn. Không thể đi làm như trước, từ kiến thức đã học, Tuấn Anh lập trang page, giúp chị gái đăng bài tìm khách sửa chảo chống dính để kiếm thêm thu nhập hỗ trợ gia đình.
"Mọi chuyện đã xảy ra, thay vì than trách số phận tôi chọn cách chấp nhận và đối mặt với nó", Tuấn Anh tâm sự.
Sau nhiều biến cố, người chị gái nghị lực năm nào vẫn lạc quan về tương lai (Ảnh: Nguyễn Ngoan).
Em trai nằm liệt chị Xuân đành từ bỏ ý định tìm việc ở công ty, việc nuôi sống cả gia đình, già trẻ 6 người phụ thuộc chính vào vợ chồng chị Xuân. Chồng chị hàng ngày từ Hoài Đức lên Giải Phóng làm thợ sửa loa, còn chị Xuân ai thuê gì làm nấy.
Bố mất, em liệt, mẹ già yếu lại thêm con trai mù lòa, liên tục biến cố ập đến, chị Xuân chưa một ngày được nghỉ ngơi nhưng vẫn luôn giữ tinh thần lạc quan.
Sau tất cả người phụ nữ tâm sự, bản thân vẫn còn hạnh phúc, may mắn hơn nhiều người vì có người thân bên cạnh. Chị chỉ mong bản thân có thể mạnh khỏe để làm đôi tay, đôi chân cho em, làm đôi mắt sáng cho con.