Bootstrap Logo

Áp lực mua nhà ở Hà Nội khiến tôi phải từ bỏ giấc mơ phố về quê nuôi cá, trồng rau để nghỉ ngơi và thư giãn

AvatarThanh Hiếu

Về quê làm tự do giảm gánh nặng mua nhà Hà Nội

Xuân Quỳnh (27 tuổi, Thanh Hóa), quyết định nộp đơn nghỉ việc tại công ty ở Hà Nội với mức thu nhập 12 triệu đồng/tháng, để về quê làm tự do.

Quỳnh tốt nghiệp đại học nghệ thuật, sau đó không theo đúng ngành mà xin sang làm cho một công ty chuyên về phần mềm bán hàng. Chàng trai quê luôn mơ ước gắn bó với Hà Nội, tuy nhiên sau ba năm đi làm, áp lực công việc và giá nhà Hà Nội tăng chóng mặt khiến anh chán nản.

"Số tiền kiếm được chẳng đuổi kịp giá nhà và giá sinh hoạt tại Hà Nội", Quỳnh nói. Chàng trai làm việc suốt ngày, thậm chí nhận tăng ca, không có cả thời gian hẹn hò, với mong muốn tăng thu nhập. Nhưng, khi nhìn lại số tiền tiết kiệm chỉ đủ mua vài ba mét vuông nhà Hà Nội, anh lắc đầu ngao ngán.

"Tôi không dám nghĩ đến chuyện mua được nhà Hà Nội, khi giá chung cư ngoại thành dao động 40-60 triệu đồng/m2, nội thành 80-100 triệu đồng/m2. Điều này quá sức với một người trẻ từ quê lên phố lập nghiệp, gia đình không có tài chính để hỗ trợ như tôi", chàng trai 27 tuổi cho hay.

Quỳnh từng mong có thể mua được nhà ở xã hội cho người thu nhập thấp, sau tìm hiểu anh thấy càng xa vời với giấc mơ có nhà Hà Nội.

Mỗi ngày Quỳnh đi làm từ 7h, đến cơ quan lúc 7h45 để chấm công và rời công ty khi đồng hồ điểm 19h. Hơn 10 giờ đồng hồ chỉ ngồi chỉnh sửa ảnh, đưa hình sản phẩm lên mạng xã hội, giới thiệu và trả lời bình luận khách hàng gần như vắt kiệt Quỳnh. Cuối tháng nhận số lương 12 triệu đồng, trang trải tiền nhà, tiền sinh hoạt phí, anh chỉ còn dư một ít gửi về cho mẹ.

 "Công việc của tôi cơ bản ổn định, nhưng không có đột phá. Để có thể mua nhà, cưới vợ thì mức lương như này suốt đời, tôi chỉ đi ở trọ", Quỳnh chia sẻ.

Nhìn một số bạn bè chuyển hướng về quê kinh doanh, làm tự do ở quê vẫn phát triển, lại không lo gánh nặng mua nhà. Sau nhiều ngày suy nghĩ, Quỳnh bàn với mẹ, quyết định từ bỏ công việc ở Hà Nội và trở về Thanh Hóa.

Chàng trai dự định đập bỏ căn nhà cũ, xây lại căn nhà mới khang trang hơn để sống cùng mẹ (Ảnh: nhân vật cung cấp).

"Tôi nhận ra mình không nhất thiết phải mua nhà hay sống ở Hà Nội mới được coi là thành công", anh chia sẻ.

Quỳnh quyết định về quê cuối năm 2022. Qua giới thiệu của một người bạn, anh bắt đầu công việc bán quần áo trên một trang thương mại điện tử nước ngoài, với thu nhập bình quân 10 triệu đồng/tháng.

Ngoài ra, ở quê Quỳnh có một vườn dứa, anh chăm sóc và cung cấp cho các nhà buôn để kiếm thêm thu nhập.

"Hàng ngày tôi báo cáo công việc qua tin nhắn, khi có vấn đề gì cần chúng tôi sẽ email (viết thư điện tử) cho đối tác, không phải đến cơ quan, họ sẽ chuyển lương qua tài khoản ngân hàng", Quỳnh cho hay.

Ở quê Quỳnh có một vườn dứa, anh chăm sóc và cung cấp cho các nhà buôn để kiếm thêm thu nhập (Ảnh: Nhân vật cung cấp).

Sau hai năm về quê không phải tốn chi phí thuê trọ, ăn uống rẻ hơn Hà Nội, thu nhập từ công việc vận hành trang bán hàng, cộng với số tiền dành dụm trước đó, Quỳnh tiết kiệm được số tiền gần 400 triệu đồng. Anh quyết định sẽ xây nhà vào đầu năm sau, để có chỗ ở thoải mái hơn và chuẩn bị cho kế hoạch lập gia đình.

"Tôi dự định vay thêm khoảng 200 triệu đồng, trong đó 100 triệu đồng từ người thân, bạn bè và 100 triệu từ ngân hàng. Tiền từ người thân, bạn bè tôi không phải trả lãi, chỉ mất cho ngân hàng", Quỳnh nói.

Với khoản vay nhỏ, trả trong thời gian dài, lãi suất thấp, Quỳnh hoàn toàn có thể lo liệu thanh toán hết trong vài năm. Ngược lại, nếu mua nhà Hà Nội, số nợ của anh không dừng ở con số trăm triệu mà lên tới hàng tỷ đồng. Cuộc sống sẽ là chuỗi ngày lo làm và trả nợ, vừa mệt mỏi về thể xác, lại ảnh hưởng cả tinh thần.

Từ ngày bỏ môi trường văn phòng, về làm tự do, chàng trai quê Thanh Hóa thấy sức khỏe tinh thần được cải thiện, có nhiều thời gian cho gia đình, chăm sóc mẹ già ở quê.

Hàng ngày, ngoài công việc thực hiện online, anh trồng rau, chăm vườn dứa, nuôi cá, tận hưởng sự bình yên "trọn vẹn mỗi phút giây". Điều mà trước đây anh không thể có khi ở Hà Nội.

Tuy nhiên, công việc này cũng có nhiều điểm bất cập như không được đóng bảo hiểm, không có đồng nghiệp hay du lịch cơ quan. Để khắc phục, anh tự đóng bảo hiểm xã hội và thuế thu nhập cá nhân, thi thoảng anh cùng mẹ đi chơi, thăm họ hàng.

Về quê xây nhà trước để chuẩn bị rời Hà Nội

Căn nhà của anh Nam ở quê trước khi xây lại (Ảnh: Nhân vật cung cấp).

Anh Lê Nam (36 tuổi, quê Phú Thọ), cũng có ý định về quê sinh sống để giảm bớt gánh nặng mua nhà, tránh việc phải chắt bóp từng đồng trả nợ. Tuy nhiên, thay vì nghỉ việc ngay, anh quyết định thuê trọ và sử dụng tiền tiết kiệm để sửa nhà ở quê.

"Đây là bước đệm mà tôi chuẩn bị để vài năm nữa về quê ở hẳn", anh chia sẻ.

Dù không còn muốn ở lại Hà Nội, anh Nam nhận thức rằng cần có sự chuẩn bị chu đáo. Nếu về quê ngay, vợ chồng anh sẽ gặp khó khăn vì chưa có việc làm ổn định, tiền tiết kiệm chỉ đủ để xây nhà. Do đó, họ quyết định thuê trọ, ở lại Hà Nội đi làm thêm vài năm để tích lũy vốn.

"Thu nhập của hai vợ chồng tôi cộng lại một tháng là 30 triệu đồng, trừ tiền ăn uống, sinh hoạt, thuê trọ, học hành của hai con tại trường công, vẫn tiết kiệm gần 10 triệu đồng/tháng", anh Nam cho hay.

Tuy nhiên nếu lựa chọn mua nhà, số tiền tiết kiệm này sẽ chẳng đủ để trả nợ ngân hàng.

"Mua nhà ở Hà Nội là ước mơ của nhiều người, nhưng cần cân nhắc đến tài chính của gia đình", người đàn ông nói.

Anh Nam cho biết, lý do chính khiến anh không mua nhà ở Hà Nội là vì không đủ khả năng. Sau nhiều năm làm việc tại Hà Nội vợ chồng anh tích lũy được gần một tỷ đồng, với khoản tiền này anh phải vay thêm hơn một nửa nếu muốn mua một căn chung cư khoảng 60m2, cách trung tâm 15km.

Điều này sẽ đặt gánh nặng lớn lên thu nhập gia đình, khi phải trả lãi ngân hàng mỗi tháng.

Từ bỏ mua nhà Hà Nội, anh Nam về quê xây nhà mới để mẹ hưởng tuổi già, cũng lấy chỗ cho vợ chồng con cái sắp tới về ở (Ảnh: Nhân vật cung cấp).

Sau nhiều lần nâng lên, đặt xuống, về việc có mua nhà Hà Nội không, trong một lần về quê, nhìn căn nhà nhiều chỗ dột nát, người mẹ già không ai chăm sóc. Anh Nam quyết định từ bỏ mua nhà Hà Nội, mang số tiền tiết kiệm về quê cải tạo đất, xây căn nhà nhỏ rộng 140m2 ở quê cho mẹ dưỡng già.

Trên Hà Nội, anh thuê một căn nhà ở xa trung tâm với giá 4 triệu đồng/tháng, bao gồm hai phòng ngủ, bếp riêng và chỗ để xe, không chung chủ, chi phí thuê thấp hơn nhiều so với tiền lãi ngân hàng. 

"Mua chung cư chỉ là "thuê dài hạn" của ngân hàng, khi không trả đủ lãi vẫn có thể bị tịch thu nhà", anh Nam nói.

Việc thuê nhà giúp người đàn ông chủ động tài chính, nếu thu nhập giảm hoặc có biến động, anh có thể chuyển đến nơi ở khác phù hợp với tình hình kinh tế gia đình, điều mà anh khó làm được nếu vay mua nhà. Số tiền tiết kiệm từ việc thuê nhà anh dành đầu tư vào việc học của con cái, lựa chọn nhà gần trường để thuận tiện cho việc đưa đón.

"Chúng tôi sẽ kết thúc cuộc sống bon chen ở Hà Nội trong hai năm tới, thật may mắn là cả vợ và các con của tôi đều thích về quê", anh Nam chia sẻ.

Để chuẩn bị cho cuộc sống về quê mà không làm ảnh hưởng đến các con và thu nhập, anh Nam thường đưa hai bé về quê vào cuối tuần, quay lại Hà Nội vào tối chủ nhật, việc này giúp các con dần thích nghi với môi trường mới.

Vợ anh cũng học thêm ngành dược để sau này về quê mở hiệu thuốc, còn anh trong thời gian tìm hiểu để xin việc ở quê, đã nhân giống 40 gốc cây quế, cải tạo đất vườn trồng thêm rau màu, đào ao nuôi cá, giúp gia đình có thêm kinh tế khi bỏ phố về quê.

Bỏ phố về quê là xu hướng một bộ phận giới trẻ rời bỏ công việc, cuộc sống ở các thành phố lớn để về sinh sống ở các vùng quê.

Tại Việt Nam, xu hướng này gia tăng sau đại dịch Covid-19, đặc biệt tại các đô thị lớn như Hà Nội và TPHCM. Nhiều người trẻ quyết định rời thành phố để tìm kiếm cuộc sống ít áp lực hơn. Một số chọn làm nông nghiệp sạch hoặc phát triển các mô hình tự cung tự cấp tại quê nhà; một số làm việc từ xa. 

Theo Trung tâm Dự báo Nhu cầu Nhân lực và Thông tin Thị trường Lao động TPHCM, trong năm 2022, khoảng 20% lao động tại TPHCM quay về quê, chủ yếu do chi phí sinh hoạt cao và áp lực đô thị. 

Tại Hà Nội, chưa có số liệu cụ thể, song ghi nhận nửa đầu năm nay nhu cầu tìm mua đất ở các khu vực ngoại thành như Đông Anh, Gia Lâm, Hoài Đức tăng từ 4% đến 24% so với cuối năm 2023, phần nào phản ánh xu hướng này.

Chưa có bình luận hãy là người đầu tiên bình luận!

First Image

BÀI VIẾT CÙNG CHỦ ĐỀ