Bootstrap Logo

Nợ công năm nay khoảng 3,8 triệu tỷ đồng

Avatar

Nợ công đến cuối năm 2023 khoảng 37% GDP (hơn 3,8 triệu tỷ đồng), thấp hơn nhiều so với mức trần 60% Quốc hội đề ra, là điểm sáng điều hành tài khóa năm qua.

Thông tin vừa được Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết. Mức này thấp hơn số ước tính của Bộ Tài chính hồi tháng 10, khoảng 200.000 tỷ đồng.

Cùng với nợ công, nợ Chính phủ khoảng 34% GDP, cũng thấp hơn nhiều so với trần 50%. Cơ cấu nợ tích cực, dư nợ trong nước tăng lên, nợ nước ngoài giảm dần. Cụ thể, dư nợ trong nước chiếm khoảng 71% nợ Chính phủ, giúp giảm thiểu rủi ro tỷ giá. Nợ trong nước chủ yếu là trái phiếu Chính phủ có kỳ hạn phát hành dài, bình quân là 12,4 năm. Điều này giảm thiểu rủi ro vay đảo nợ.

Trong khi đó, danh mục nợ nước ngoài hiện hành chủ yếu vẫn là các khoản vay kỳ hạn dài, lãi suất ưu đãi; góp phần tăng tính bền vững nợ trước biến động tỷ giá của các ngoại tệ mạnh.

Với mức nợ thấp so với trần như hiện nay và cơ cấu nợ thuận lợi, Việt Nam có nhiều dư địa để triển khai vay vốn cho những dự án lớn là động lực của nền kinh tế, tạo ra hiệu quả nhanh và bền vững nhất, theo Bộ trưởng.

Trụ sở Bộ Tài Chính tại Hà Nội. Ảnh: Giang Huy

Ông Hồ Đức Phớc đánh giá trong bối cảnh đất nước đối diện nhiều thách thức, ngành tài chính đã quản lý điều hành chính sách tài khóa mở rộng, hiệu quả trong năm 2023. Cùng với nợ công, ước tính tỷ lệ bội chi ngân sách năm nay dưới 4% (17,2 tỷ USD, khoảng 414.000 tỷ) so với mức 4,42% Quốc hội cho phép.

Năm 2023, ước thu ngân sách nhà nước vượt khoảng 5% so với dự toán; nếu tính cả số thuế miễn giảm, thu ngân sách năm nay vượt khoảng 9 -10% so với dự toán Quốc hội giao. Đáng chú ý, cả ngân sách trung ương và địa phương đều vượt thu so với dự toán.

Về chi ngân sách, giải ngân vốn đầu tư công được đẩy mạnh tạo động lực thúc đẩy phục hồi và̀ tăng trưởng kinh tế. 35% tổng chi ngân sách nhà nước, tương đương hơn 760.000 tỷ đồng chi cho đầu tư công, gấp 1,5 lần so với năm 2022.

Trong bối cảnh nền kinh tế còn khó khăn sau dịch, sức chống chịu của doanh nghiệp đến hạn, loạt chính sách miễn giảm, giãn hoãn thuế phí đã được ban hành với quy mô khoảng 200.000 tỷ đồng.

Bộ Tài chính dự báo năm 2024 sẽ có nhiều thuận lợi, thách thức đan xen. Trong khi đó, nhiệm vụ đặt ra là rất lớn, với dự toán thu ngân sách nhà nước là 1,7 triệu tỷ đồng; dự toán chi ngân sách nhà nước là 2,1 triệu tỷ đồng.

Ổn định vĩ mô, kiểm soát lạm phát vẫn là ưu tiên hàng đầu. Bên cạnh theo dõi, dự báo đúng tình hình kinh tế trong và ngoài nước, ngành tài chính cho biết sẽ tiếp tục tập trung điều hành chính sách tài khóa chủ động, hợp lý, linh hoạt, hiệu quả; nghiên cứu hoàn thiện hệ thống thu ngân sách theo hướng tạo thuận lợi cho người nộp thuế, mở rộng cơ sở thuế, đảm bảo tính đồng bộ của pháp luật và phù hợp thông lệ quốc tế.

Ngoài ra, cơ quan thuế cũng sẽ nghiên cứu và đưa ra thêm các giải pháp quản lý nguồn thu thuế trên nền tảng số, sàn thương mại điện tử, bán hàng trên các trang mạng cá nhân.

 

Hà Khương

Chưa có bình luận hãy là người đầu tiên bình luận!

First Image

BÀI VIẾT CÙNG CHỦ ĐỀ