Tọa đàm "Chuyển đổi xanh - nhận thức và hành động vì một tương lai Vĩnh Phúc phát triển bền vững" do UBND tỉnh Vĩnh Phúc tổ chức, vừa diễn ra tại Vĩnh Phúc.
Tiến sĩ Nguyễn Sĩ Dũng, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, cho rằng với vị thế là một trong những trung tâm kinh tế phát triển năng động của miền Bắc, tỉnh Vĩnh Phúc có cơ hội nhưng cũng đối mặt với thách thức lớn trong hành trình xanh hóa nền kinh tế.
Để đạt được mục tiêu phát thải ròng bằng 0, ông Dũng khuyến nghị Vĩnh Phúc cần tích hợp mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào các quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội và quy hoạch đô thị. Quy hoạch phát triển công nghiệp cũng cần áp dụng tiêu chí xanh hóa, khuyến khích doanh nghiệp giảm phát thải và sử dụng năng lượng sạch.
Vĩnh Phúc ưu tiên thu hút đầu tư các dự án công nghệ cao, thân thiện với môi trường (Ảnh: Phùng Hải).
Ngoài ra, theo ông Dũng, Vĩnh Phúc cần đẩy mạnh thực hiện Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 theo hướng ưu tiên phát triển các ngành kinh tế ít phát thải, tận dụng tiềm năng về năng lượng mặt trời và năng lượng gió.
Với vai trò là một trung tâm công nghiệp, tỉnh cần thúc đẩy mô hình khu công nghiệp sinh thái; xây dựng cơ chế khuyến khích doanh nghiệp áp dụng công nghệ sạch, giảm thiểu phát thải và ưu tiên các ngành công nghiệp giá trị cao, ít ô nhiễm như công nghệ thông tin, sản xuất phần mềm
Trong khi đó, ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), khẳng định, một trong những giải pháp trọng tâm phải là logistics xanh, bởi logistics là một ngành có mức độ phát thải lớn - báo cáo thống kê có tới 70% ô nhiễm bắt nguồn từ giao thông phát thải.
"Đến năm 2025, bức tranh kinh tế toàn cầu cũng như trong nước sẽ có khởi sắc, lạm phát giảm tại các thị trường lớn, nhu cầu và sức mua phục hồi, kéo theo xuất nhập khẩu sẽ duy trì đà tăng trưởng tốt", ông Hải dự báo.
Do đó, ông Hải nhận định bước vào năm 2025 với hành trình chuyển đổi xanh, Vĩnh Phúc cần xây dựng kế hoạch phát triển logistics phù hợp với chiến lược quốc gia; chăm sóc, hỗ trợ đội ngũ doanh nghiệp để hình thành doanh nghiệp lớn, có vai trò dẫn dắt.
Đi liền với đó, Vĩnh Phúc thúc đẩy liên kết vùng, xây dựng khu logistics, trung tâm logistics lớn, hiện đại, thông minh, tự động. Tổ chức tập huấn kiến thức logistics cho cán bộ quản lý và doanh nghiệp trên địa bàn.
UBND tỉnh Vĩnh Phúc khẳng định, lựa chọn không đánh đổi môi trường để chạy theo tăng trưởng kinh tế đơn thuần, nhiều năm nay tỉnh đang kiên trì với phương thức phát triển từ "nâu" sang "xanh", ưu tiên thu hút đầu tư các dự án công nghệ cao, thân thiện với môi trường.
Với mục tiêu đó, thời gian qua, Vĩnh Phúc không ngừng thúc đẩy chuyển đổi xanh theo định hướng của Chính phủ hướng tới mục tiêu đạt phát thải ròng bằng 0; triển khai đồng bộ nhiều giải pháp để tạo nền tảng, thay đổi nhận thức của doanh nghiệp, người dân.
Vĩnh Phúc đã chủ động rà soát, sắp xếp lại quy hoạch khu công nghiệp, cụm công nghiệp, chọn lọc trong thu hút đầu tư cùng với định hướng thu hút FDI xanh, chủ động hạn chế một số dự án gây ô nhiễm môi trường trong lĩnh vực sản xuất da, cao su, dệt nhuộm, giấy và không chấp thuận các dự án có tính chất sản xuất ngoài các khu công nghiệp, cụm công nghiệp.
Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc Trần Duy Đông thông tin, tỉnh đang từng bước nghiên cứu, xây dựng và triển khai chiến lược chuyển đổi xanh nhằm đạt được mục tiêu Net Zero, phù hợp với các định hướng và chính sách của Thủ tướng Chính phủ.
"Chiến lược này bao gồm việc phát triển hạ tầng bền vững, bảo vệ môi trường và khuyến khích các giải pháp năng lượng tái tạo", ông Đông nhấn mạnh tại tọa đàm.