Bootstrap Logo

Cô gái Nam Định vượt qua giới hạn chiều cao để trở thành thợ may nổi tiếng ở tuổi 34 trên mạng xã hội

AvatarQuỳnh Chi

Vượt qua số phận

Thời gian qua, những đoạn clip ghi lại cảnh cắt may tỉ mỉ của một cô thợ may có vóc dáng nhỏ thó, chỉ cao 1,25m, nhận được sự quan tâm của dân mạng.

Đặc biệt, những lời nói truyền cảm hứng, sự hăng say với công việc và tinh thần lạc quan, vượt qua số phận của cô khiến không ít người xúc động và nể phục.

Đó chính là Vũ Thị Lan, 34 tuổi, quê ở Nam Định. Mang khiếm khuyết cơ thể từ khi mới ra đời, nhưng "cô thợ may tí hon" luôn nỗ lực vươn lên để trở thành con người có ích cho xã hội.

Vũ Thị Lan khởi nghiệp may vá ở tuổi 34 (Ảnh: Nhân vật cung cấp).

Chia sẻ với phóng viên Dân trí, Vũ Thị Lan cho biết vừa lọt lòng mẹ, cơ thể cô đã bị lệch 6 khớp, cột sống của cô cũng bị cong vẹo, khiến cô hoạt động khó khăn. Cô từng trải qua 4 lần đại phẫu để đôi chân có thể mang được dép và di chuyển như bây giờ.

"Do vóc dáng bị lệch, nên theo thời gian, cột sống của tôi cũng bị ảnh hưởng, lưng bị gù. Bây giờ, nếu đứng lâu, tôi phải cựa mình cho đỡ mỏi. Ở nhà, tôi bám vào bàn ghế để di chuyển gần, chứ nếu ra ngoài, tôi phải dùng nạng hỗ trợ", Vũ Thị Lan chia sẻ.

Năm 2013, Vũ Thị Lan tốt nghiệp ngành Kế toán tổng hợp tại trường Cao đẳng Kinh tế Tổng hợp Hà Nội. Cô tâm sự, ngày cô đến Hà Nội học, gia đình cô đã dồn công sức, niềm tin để đầu tư cho cô, với hy vọng cô có được công việc văn phòng ổn định, nhàn hạ, có thể tự lo cho bản thân.

Cô nói, lúc đó sức chịu đựng của bản thân chưa được như bây giờ, nên đôi lần muốn bỏ cuộc bởi việc đi lại rất khó khăn. Song, sau khi học xong, cô lại không thể tìm được việc làm nên áp lực chồng áp lực.

"Ở quê, tôi cũng không xin được việc vì vóc dáng không phù hợp vì làm kế toán chỗ tôi đôi khi phải kiểm tra và mang vác hàng hóa nữa", Vũ Thị Lan tâm sự.

Thế rồi cơ duyên may vá đến với cô gái Nam Định. Ngày chị gái của Lan sinh em bé, nhìn thấy những món đồ trẻ em bé xíu, đáng yêu nên thích thú vô cùng. Nghĩ đến việc mỗi lần bản thân mua quần áo, cũng đều phải sửa lại cho phù hợp với vóc dáng, Vũ Thị Lan chợt lóe lên ước mơ làm nhà thiết kế.

Đầu năm nay, Vũ Thị Lan học một khóa may vá, thiết kế ở Hà Nội. Sau đó, cô trở về quê nhà Nam Định, tận dụng sân nhà làm tiệm may, khởi nghiệp ở tuổi 34. Cuộc đời của cô một lần nữa mở ra, khiến cô có thêm niềm tin vào cuộc sống.

Nhận 50-70 đơn đặt hàng/ngày

Từ ngày biết may vá, tạo ra những bộ đồ trẻ em xinh xắn, đáng yêu, Vũ Thị Lan lại càng vui tươi, phấn khởi. Cô vừa may quần áo, vừa quay clip, đăng tải lên mạng xã hội, như một cách truyền động lực cho những người có hoàn cảnh giống mình.

"Không ngờ, tôi được cộng đồng mạng ủng hộ nhiệt tình. Lúc những đoạn clip của tôi lên xu hướng, có ngày tôi nhận được 50-70 tin nhắn đặt hàng may quần áo. Dù vậy, tôi chỉ nhận số ít trong những đơn đó thôi, bởi sức khỏe của tôi cũng không cho phép", cô chia sẻ.

Mỗi lần cắt vải, Vũ Thị Lan phải đứng trên ghế (Ảnh: Nhân vật cung cấp).

Vũ Thị Lan tâm sự, may đo trực tiếp đã khó, nhận đơn hàng online lại khó hơn. Khi nhận những đơn đầu tiên của khách, cô vừa làm vừa lo. Đến lúc giao quần áo, cô lại hồi hộp, không biết các bé mặc có vừa không.

"Giao đơn xong là tôi lo không biết các bé có mặc vừa không, nhưng chắc bố mẹ các bé muốn ủng hộ, động viên tôi nên ai cũng hoan hỉ, đánh giá sản phẩm của tôi rất tốt. Mọi người yêu thương nên bỏ qua mọi khuyết điểm của tôi", cô nói.

Nhìn hình ảnh Vũ Thị Lan đứng trên chiếc ghế thấp để có thể cắt vải, may vá, nhiều người không khỏi xót xa. Thậm chí, có người còn đề xuất cô cắt bớt chân bàn, để bàn thấp lại vừa người, thuận tiện trong quá trình làm việc.

Về điều này, Vũ Thị Lan lý giải: "Tôi gặp khó khăn trong khâu trải vải, cắt vải. Nếu mọi việc ổn định, tôi muốn tìm thêm người hỗ trợ tôi. Khi đó bàn ghế phải vừa vặn với người hỗ trợ. Tôi cố gắng đứng trên ghế một thời gian nữa, tới khi có người hỗ trợ thì không cần đầu tư thêm, tiết kiệm chi phí.

Xa hơn, tôi mong mình có thể mở rộng tiệm, tạo ra nơi học may cho những người có hoàn cảnh giống tôi ngày trước. Những người khiếm khuyết như tôi, nếu có công việc mang lại giá trị cho xã hội, họ sẽ vui vẻ, có niềm tin hơn rất nhiều", Vũ Thị Lan tâm sự.

Vũ Thị Lan mong có thể tìm cộng sự, mở rộng tiệm may trong tương lai (Ảnh: Nhân vật cung cấp).

Hiện tại, Vũ Thị Lan sống với bố mẹ ở quê nhà. Mỗi ngày, cô làm việc từ 8h đến chiều. Ban đêm, cô thường livestream để trò chuyện với mọi người. Cô nói công việc hiện tại chưa mang đến nguồn thu nhập quá lớn cho cô, nhưng khiến cô thấy được tương lai, có niềm tin vào cuộc sống.

Vũ Thị Lan đặt mục tiêu trong năm mới sẽ tìm được người đồng hành, mở rộng mô hình may vá thêm một chút và nhận nhiều đơn đặt hàng hơn. 

Chưa có bình luận hãy là người đầu tiên bình luận!

First Image

BÀI VIẾT CÙNG CHỦ ĐỀ