Tổng thống Nga Vladimir Putin (Ảnh: The American Interest).
Cục diện thay đổi nhanh chóng
Trong nhiều thập kỷ, Nga đã cố gắng tái lập ảnh hưởng của mình ở Trung Đông. Tuy nhiên, sau sự sụp đổ nhanh chóng của chính quyền Tổng thống Bashar al-Assad tại Syria, Moscow có vẻ như đang phải cố gắng cứu vãn tình thế ở mức tốt nhất có thể.
Tổng thống Vladimir Putin dường như đã phải tìm cách xoay chuyển các sự kiện ở Syria theo cách đó là một thành công của Nga. Moscow từng tích cực hỗ trợ quân sự cho Tổng thống bị lật đổ Bashar al-Assad trong cuộc nội chiến khốc liệt và kéo dài. Đổi lại, Nga được phép thiết lập 2 căn cứ quân sự quan trọng tại quốc gia này.
"Cách đây 10 năm, chúng tôi đã đến Syria để giúp ngăn chặn việc tạo lập một vùng đất khủng bố ở đó", ông Putin phát biểu trong cuộc họp báo thường niên hôm 19/12. "Đánh giá một cách tổng thể, chúng tôi đã đạt được mục tiêu đó".
Thế nhưng, theo các chuyên gia quân sự và chính trị được New York Times phỏng vấn, thực tế tình hình của Nga rất khác so với đánh giá có phần lạc quan của ông Putin.
Họ nói rằng nếu các phe phái nổi dậy đang giữ quyền lãnh đạo ở Syria hiện nay quyết định trục xuất lực lượng Nga khỏi 2 căn cứ thì Moscow sẽ không còn nguồn lực hoặc cơ sở mặt đất nào để duy trì sự hiện diện quân sự trong khu vực.
Căn cứ Hải quân Nga tại thành phố ven biển Tartus ở Syria (Ảnh: Reuters).
Suy giảm tầm ảnh hưởng
Sau khi Tổng thống Putin quyết định can thiệp quân sự vào Syria năm 2015, Nga đã xây dựng tại đây một căn cứ không quân ở Hmeymim nằm gần thành phố Latakia, đồng thời mở rộng trạm tiếp nhiên liệu hải quân thời Liên Xô tại cảng Tartus bên bờ Địa Trung Hải thành một căn cứ đầy đủ.
Theo các chuyên gia, sự hiện diện quan trọng trên đã đạt được ba mục tiêu chính.
Thứ nhất, khi Nga bị cô lập trên trường quốc tế sau sự kiện sáp nhập bán đảo Crimea năm 2014, sự hiện diện quân sự của Moscow tại Syria đã buộc Mỹ, Israel, Thổ Nhĩ Kỳ cũng như phần lớn khu vực phải can dự ngoại giao với Moscow.
Lực lượng hải quân hùng hậu của Nga ở Tartus, gồm ba tàu chiến mặt nước cỡ lớn và một tàu ngầm, đã buộc các nhà hoạch định quân sự NATO phải chú ý.
Thứ hai, họ đã thể hiện cho các nước trên thế giới thấy rằng Nga có khả năng khuếch trương sức mạnh quân sự ra ngoài biên giới. Hoạt động ném bom oanh tạc các vị trí của phe đối lập Syria đã giúp duy trì và củng cố chế độ của cựu Tổng thống al-Assad.
Thứ ba, nhờ nằm ở vị trí địa chiến lược trong khu vực, Syria đã trở thành một trung tâm hậu cần quan trọng, một cảng nước ấm bên Địa Trung Hải và một căn cứ không quân để vận chuyển vũ khí, đạn dược cho các lực lượng Nga ở châu Phi cùng nhiều nơi khác tại Trung Đông.
Tuy nhiên, những mục tiêu trên đang bị đe dọa. Washington đang trong quá trình chuyển giao quyền lực vì vậy chính sách với Syria sẽ thay đổi, mặc dù Tổng thống đắc cử Donald Trump đã thể hiện thái độ xem nhẹ chủ trương can dự trong nhiệm kỳ đầu tiên khi gọi đất nước này là "máu và cát".
Thổ Nhĩ Kỳ muốn thế chân Nga trở thành đồng minh nước ngoài chi phối tình hình ở Damascus.
Là quốc gia từng hạn chế các cuộc tấn công ở Syria nhằm tránh xung đột với lực lượng Nga, Israel giờ đây liên tục ném bom các địa điểm quân sự và chiếm đóng lãnh thổ mới ở Cao nguyên Golan mà họ chiếm giữ từ năm 1967.
Nga mất đi đồng minh Assad nhưng không rõ liệu họ có thể tìm kiếm được sự thay thế khả dĩ nào cho những trung tâm hậu cần quân sự ở Syria hay không.
Theo một quan chức Mỹ, Nga có thể đang xem xét tăng cường hoặc đa dạng hóa sự hiện diện ở các quốc gia như Libya, Sudan và Yemen.
Thế nhưng, tất cả các quốc gia này đều tồn tại những mặt trái riêng, chẳng hạn như vấn đề nội chiến hay sẽ đòi Nga phải trả giá cao hơn. Ngay cả khi Nga có khả năng mở rộng sự hiện diện ở những nơi đó thì cũng sẽ không thể diễn ra một sớm một chiều.
Xe quân sự Nga di chuyển về phía Địa Trung Hải, ngày 15/12/2024 (Ảnh: NYT).
Nga có giữ được các căn cứ quân sự ở Syria?
Tổng thống Putin cho biết Nga đã tiếp cận với những nhà cầm quyền mới ở Damascus, đồng thời nói thêm rằng các căn cứ hiện nay có thể được sử dụng cho mục đích viện trợ nhân đạo.
Không phải Nga không còn ảnh hưởng nào ở Syria. Họ vẫn có thể đưa ra những quân bài khác nhau, từ các khoản thanh toán tài chính cho đến thiết bị quân sự hoặc dầu mỏ, cho dù nguồn lực đã bị kéo căng do cuộc chiến ở Ukraine.
Nga cũng có thể xúc tiến trao danh tính hợp pháp cho chính phủ mới ở Syria. Các chính phủ phương Tây hiện vẫn liệt Hayat Tahrir al-Sham (HTS), là một tổ chức khủng bố nhưng Nga, với lá phiếu thường trực trong Hội đồng Bảo an LHQ, có thể giúp xóa bỏ danh xưng đó.
Nga đã bắt đầu chuyển một số lực lượng và thiết bị ra khỏi Syria. Tuy nhiên, các hệ thống vũ khí tiên tiến như tên lửa phòng không S-400 được sử dụng để bảo vệ các cơ sở quân sự, dường như vẫn còn nguyên.
Cho đến nay, hoạt động di chuyển chủ yếu liên quan đến các đơn vị quân cảnh và số binh lính ở các tiền đồn nhỏ rải rác khắp Syria.
Thời kỳ Chiến tranh Lạnh, Nga có ảnh hưởng rộng khắp Trung Đông với sự hiện diện quân sự mạnh mẽ tại Iraq, Syria, Ai Cập và Algeria. Sau khi Liên Xô sụp đổ năm 1991, Nga cơ bản đã từ bỏ khu vực này, do thiếu cả nguồn lực và mối quan tâm.
Theo các nhà phân tích, khi triển khai quân tới Syria năm 2015, ban đầu ông Putin có thể nghĩ đó như một phương cách để lấy lại vai trò của Nga là một cường quốc toàn cầu. Moscow đã tiếp tục bán vũ khí cho Iraq và Ai Cập, những quốc gia được cho là mất lòng tin với Mỹ.
Tuy nhiên, kể từ khi Nga triển khai chiến dịch quân sự ở Ukraine năm 2022, đã không còn thỏa thuận lớn nào được công bố. Hiện tại, Nga có vẻ như còn rất ít nguồn lực quân sự dư thừa để bán hoặc triển khai ra nước ngoài.
"Ukraine đã thay đổi mọi thứ", Hanna Notte, một chuyên gia về chính sách đối ngoại và an ninh của Nga thuộc Trung tâm Nghiên cứu Không phổ biến Vũ khí Hạt nhân James Martin có trụ sở tại Berlin nhận xét.
"Chiến sự ở Ukraine đã hạn chế khả năng của Nga can dự vào các cuộc chơi ở Trung Đông và Châu Phi. Họ đã dồn hết nguồn lực vào Ukraine nên không còn nguồn lực nào khác để tham gia những cuộc chơi ở đây".