Năm nay, bưởi đỏ ở miền Bắc tăng giá 5-10% so với năm ngoái, đang được bán lẻ 120.000-250.000 đồng một trái.
Chị Lan - chủ vườn bưởi ở Thanh Hóa - cho biết nhà vườn luôn cháy hàng bưởi đỏ dịp Tết. Năm ngoái giá mặt hàng này bị giảm mạnh, nay sức mua tăng trở lại nên giá tăng 5-10%. Hiện, bưởi tại vườn nhà chị bán giá 80.000-130.000 đồng một quả (tùy mẫu mã và kích thước). "Tôi đã bắt đầu cắt bán từ đầu tháng 12 và đang nhận đơn hàng Tết", chị Lan nói.
Cũng bán được giá cao, chị Hoa người sở hữu khoảng 100 cây bưởi đỏ, cho biết năm nay sản lượng loại này giảm 30% so với năm ngoái. Vườn của nhiều hộ dân trong vùng cũng không đạt sản lượng như mọi năm. Tuy nhiên, giá tăng cao nên người trồng bưởi đỏ vẫn có lãi lớn.
Vừa trồng bưởi vừa bao tiêu sản phẩm cho nông dân, ông Trần Tiến Hải, ở Thanh Hóa cho biết năm nay cung ứng ra thị trường 15.000 quả, giảm 25% so với giai đoạn 2019 - 2020.
"Mỗi quả bưởi đang được bán giá 130.000-150.000 đồng với dòng có trọng lượng dưới 1 kg. Những trái đẹp, đều, trọng lượng 1,3-1,5 kg có giá 200.000-250.000 đồng", ông Hải cho hay.
Ông cho biết thêm, bưởi đỏ ở vựa của ông là hàng giống thuần chủng được chọn kỹ từ trọng lượng tới chất lượng trái. Bưởi được hái từ cây 6-10 năm tuổi, có mùi thơm mạnh, màu đỏ tự nhiên, bên trong ruột đỏ đậm, mọng nước, trọng lượng 800 gram đến 2 kg.
Theo ông, trên thị trường có nhiều loại lai tạo giống bưởi đỏ, chất lượng kém. Màu tuy bắt mắt nhưng không thơm và ngon như giống thuần chủng nên người mua nên cẩn trọng.
Trong khi bưởi đỏ được nhà vườn đẩy mạnh bán ra với giá cao, tại các địa chỉ bán lẻ nhiều chủ cửa hàng cho biết sức mua vẫn còn thấp hơn so với cùng kỳ do ngày Tết còn cách xa và người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu.
Là đầu mối bán hàng online tại Cầu Giấy (Hà Nội), chị Oanh cho biết mỗi đợt chỉ nhập khoảng 200 quả bưởi đỏ, khách mua hết mới đặt hàng tiếp.
"Giá năm nay cao hơn mọi năm nên tôi không dám ôm hàng vì nếu ế sẽ lỗ nặng", chị Oanh nói.
Chị Lâm Thị Thùy Vân, chủ cửa hàng ở Lâm Đồng, cho biết năm ngoái bán ra thị trường hàng nghìn trái bưởi đỏ nhưng năm nay vẫn chưa dám nhập hàng về vì sức mua yếu. "Tôi vẫn đang chốt đơn trước mới nhập hàng nhưng lượng người mua giảm mạnh tới 50% so với mọi năm", chị Vân nói.
Theo người dân địa phương ở Thanh Hóa, bưởi đỏ thời xưa từng là sản vật tiến vua và được chọn vào mâm ngũ quả ngày Tết. Loại bưởi này khi còn non cũng có màu xanh như các giống bưởi khác, nhưng khi lớn thì chuyển dần sang màu vàng và đến lúc chín đổi hẳn sang màu đỏ. Loại này có thể chưng Tết 2-4 tháng (tùy cách bảo quản).
Mai Phương