"Hậu" Covid và những bất ổn địa chính trị toàn cầu khiến nhiều doanh nghiệp thêm kiệt sức trong năm 2023, dù Chính phủ đã có nhiều biện pháp hỗ trợ.
Nhận định trên được Ban Nghiên cứu Phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV) nêu trong báo cáo Thủ tướng về tình hình doanh nghiệp. Kết quả này dựa trên khảo sát hơn 2.700 doanh nghiệp do Ban IV phối hợp với Sóng Ngầm thực hiện hồi tháng 12/2023.
Khi đánh giá về về kinh tế năm 2023, hơn 69% doanh nghiệp nói tiêu cực hoặc rất tiêu cực.
Doanh nghiệp TP HCM có mức độ bi quan nhất, trong khi doanh nghiệp tại Hà Nội ít bi quan hơn. TP HCM là đầu tàu kinh tế cả nước nhưng tăng trưởng tại địa phương này cũng không lọt top 10 cả nước.
Gần 73% doanh nghiệp dự kiến giảm quy mô, tạm ngừng kinh doanh hoặc ngừng kinh doanh trong năm nay. Trong đó, doanh nghiệp ngành xây dựng, doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp có quy mô nhỏ và doanh nghiệp đăng ký kinh doanh tại TP HCM thể hiện mức độ tiêu cực hơn.
Như vậy, so với khảo sát trước đó, tỷ lệ doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường không có xu hướng giảm như hầu hết các chỉ báo khác. Thực trạng này cùng xu hướng với số liệu của Tổng cục Thống kê đã nêu.
Với các doanh nghiệp dự kiến còn hoạt động, gần 59% nói có thể giảm quy mô lao động trên 5%, trong đó, 16,6% giảm hơn một nửa số lao động. Hơn 60% doanh nghiệp cũng chia sẻ, dự kiến giảm doanh thu.
Các doanh nghiệp vẫn đối diện với 5 khó khăn chính gồm: đơn hàng; dòng tiền; thực hiện các thủ tục hành chính và đáp ứng quy định pháp luật; nguy cơ hình sự hóa các giao dịch kinh tế; tiếp cận vốn vay.
"Số liệu khảo sát và thống kê cho thấy doanh nghiệp kiệt sức là sự thật, đặc biệt sau hai năm Covid-19 và 2 năm đối mặt với những bất ổn kinh tế vĩ mô toàn cầu", Ban IV cho biết.
Dù vậy, điểm sáng là khi so sánh với khảo sát hồi tháng 4, các đánh giá của doanh nghiệp về triển vọng kinh tế vĩ mô tích cực hơn ở tất cả các mặt. So với lần khảo sát trước, tỷ lệ doanh nghiệp đánh giá tích cực, rất tích cực về tình hình kinh tế vĩ mô đã tăng 2,7 lần; về ngành tăng 2,5 lần. Số doanh nghiệp dự kiến mở rộng quy mô mạnh tăng gấp đôi. Các chỉ số, chỉ báo về triển vọng tiếp cận vốn, thị trường, đánh giá hiệu quả hỗ trợ của chính quyền cũng có điểm số cao hơn.
Thực tế, trong năm 2023, Chính phủ đã xây dựng, đề xuất Quốc hội và trực tiếp ban hành nhiều chính sách hỗ trợ doanh nghiệp.
Trong đó, với bối cảnh nền kinh tế đói vốn, các chính sách tạo dòng tiền của Chính phủ được doanh nghiệp được đánh giá cao, nhất là việc gia hạn nộp thuế VAT, thuế thu nhập doanh nghiệp, tiền thuê đất, giảm VAT 2% với một số hàng hóa, dịch vụ. Ban IV đánh giá, các chính sách này, dù có mức điểm đánh giá dưới 3 (là mức bình thường), trong bối cảnh khó khăn chung, là mức chấp nhận được vì nhu cầu, kỳ vọng của doanh nghiệp rất lớn. Tuy nhiên, doanh nghiệp cũng bày tỏ để có kết quả tốt hơn, các chính sách cần được thực hiện kịp thời.
Với chính sách hỗ trợ lãi suất 2%, khảo sát cho thấy, doanh thu của các doanh nghiệp càng lớn, đánh giá chính sách càng cao. Doanh nghiệp nhà nước cũng đang đánh giá chính sách hỗ trợ này đạt hiệu quả cao nhất, trong khi doanh nghiệp tư nhân đánh giá thấp nhất. Điều này cũng diễn ra tương tự với chính sách giảm VAT 2%.
Ban IV cho biết, dù nhiều chính sách hỗ trợ của doanh nghiệp đã quyết liệt, đạt được một số hiệu quả, với năm 2024 nhiều biến số, Chính phủ, địa phương cần tiếp tục đẩy mạnh hơn hoạt động này. Bởi nếu không được vun đắp kịp thời, sức lực doanh nghiệp sẽ cạn kiệt. "Năm nay được xem là thời điểm cấp thiết cần tiếp tục khoan thư sức dân, sức doanh nghiệp nhằm nuôi dưỡng niềm tin, năng lực phục hồi", Ban IV cho biết.
Trong ngắn hạn, doanh nghiệp cho biết, mong Chính phủ tiếp tục giảm chi phí, nâng cao sức cạnh tranh. Điều này nên được cụ thể bằng việc đẩy mạnh hoàn thuế VAT cho doanh nghiệp, giúp họ có thêm dòng tiền trong sản xuất, kinh doanh.
Doanh nghiệp đề nghị Nhà nước có chính sách, kế hoạch thực hiện cụ thể để vực dậy các doanh nghiệp đang "chết lâm sàng" mà không thể làm thủ tục ngừng kinh doanh hoặc giải thể. Việc này nhằm tránh lãng phí tài nguyên của các chủ đầu tư, chủ doanh nghiệp và gỡ vướng vấn đề pháp lý.
Họ cũng đề xuất thay đổi các quy định về giới hạn 30% lãi vay ngân hàng trong giao dịch liên kết; giảm thuế thu nhập cho doanh nghiệp nhỏ và vừa về 18%, sau đó là 15% để doanh nghiệp củng cố nguồn lực trong ngắn hạn.
Với vốn vay, doanh nghiệp đề xuất Chính phủ có nguồn vốn lãi suất thấp, điều kiện vay không quá khó khăn (nhìn vào khả năng trả nợ trong tương lai hoặc đánh giá thương hiệu , hay các số liệu về người lao động, hoặc bằng cách chứng minh hiệu quả mô hình kinh doanh) để giúp các doanh nghiệp nhỏ có vốn sản xuất.
Hay với môi trường kinh doanh, nhiều doanh nghiệp mong mỏi Chính phủ cần quyết liệt hơn trong việc cải cách thủ tục hành chính ở các tỉnh bởi hiện tượng trên nóng, dưới lạnh.
Các doanh nghiệp cho rằng cần đơn giản hóa thủ tục hành chính đi đôi với nâng cao mức độ chịu trách nhiệm của người đứng đầu lĩnh vực nếu để xảy ra sai phạm. Trong đó phân cấp, phân quyền rõ ràng, tránh chồng chéo trong công tác quản lý nhà nước.
"Đây là thời điểm vàng để cải cách, giải quyết triệt để những vấn đề nội tại của nền kinh tế cũng như mô hình phát triển để tạo ra những động lực mới", Ban IV nói thêm trong bối cảnh vị thế của Việt Nam không ngừng được củng cố.
Theo đó, đơn vị này đề xuất Chính phủ tiếp tục đẩy mạnh vào đầu tư hạ tầng, nhân lực chất lượng cao (đặc biệt nhân lực cho hệ sinh thái bán dẫn, xu hướng công nghệ xanh), có chính sách hỗ trợ khu vực tư nhân thực chất để có thể chuyển đổi, đón các làn sóng đầu tư mới.
Lê Dương